PV: Nhằm phục vụ cho chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh, Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào về kỳ họp này, thưa ông Viengsavanh Vilayphone?
Ông Viengsavanh Vilayphone: Để phục vụ cho chuyến thăm này, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều vấn đề, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao hai nước để chuyến thăm được thành công tốt đẹp. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh sẽ tham dự hai sự kiện quan trọng là Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện.
Tại Kỳ họp lần thứ 44, Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, hai bên sẽ tổng kết, đánh giá lại tất cả các lĩnh vực hợp tác hai nước trong năm 2021. Trong năm qua, mặc dù hai nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song sự nỗ lực của hai bên, hợp tác giữa hai nước vẫn không ngừng phát triển, điển hình là chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith vào cuối tháng 6; chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đầu tháng 8; chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đầu tháng 12. Điều đó cho thấy, quan hệ đặc biệt giữa hai nước luôn được lãnh đạo các cấp hai nước thường xuyên quan tâm, vun đắp, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
PV: Năm nay là “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022”, xin ông hãy đánh giá về hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, một trong những lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai nước?
Ông Viengsavanh Vilayphone: Về hợp tác giáo dục, chúng tôi đánh giá cao sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam, mỗi năm đã cấp hơn 1.000 suất học bổng cho Lào. Chúng tôi đã tuyển chọn kỹ lưỡng những đối tượng đạt tiêu chuẩn và cho các em học tiếng Việt trước 4 tháng nhằm tạo điều kiện cho các em nhanh chóng năm bắt chương trình cũng như để các em có điều kiện tiếp cận với tiếng Việt tốt hơn.
Hiện nay, Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam chúng tôi đang xem xét quản lý sinh viên đi học theo diện kết nghĩa giữa các tỉnh cũng như các đối tượng tự túc được chặt chẽ hơn. Các sinh viên, sau khi tốt nghiệp từ Việt Nam trở về đã, đang và sẽ là lực lượng nòng cốt, tin cậy, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước Lào. Bên cạnh đó, mặc dù còn nhiều khó khăn song Chính phủ Lào hàng năm tiếp nhận 60 sinh viên Việt Nam sang học tập các chuyên ngành khác nhau tại Lào.
PV: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của hợp tác hai nước trong lĩnh vực kết nối hạ tầng giao thông, nhằm thúc đẩy giao thương giữa hai nước Việt Nam và Lào?
Ông Viengsavanh Vilayphone: Kết nối cơ sở hạ tầng giao thông là yếu tố rất quan trọng trong hợp tác đầu tư, giao thương hai nước. Như đã biết, chúng ta đang có nhiều dự án chung như: Dự án đường cao tốc Vientiane-Hà Nội, mà trước hết là nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 8 từ Thủ đô Vientiane đến cửa khẩu Cầu Treo. Việc tăng cường kết nối tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây là nhiệm vụ hai bên cần phối hợp tổ chức thực hiện tạo thuận lợi hơn nữa trong giao thương giữa hai nước. Như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hai nước cần có tư duy hợp tác mới, các biện pháp mạnh, mang tính đột phá “đặc biệt” để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại, đầu tư, kinh doanh; quan tâm và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác và Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa thị trường 100 triệu dân cho hàng hóa, nông sản của Lào. Vì vậy, chúng tôi sẽ bàn bạc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để thực hiện tốt vấn đề này.
PV: Xin cảm ơn ông./.