Sáng nay (6/9), tại Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.

Sau 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo và 5 năm thực hiện “Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Vùng luôn duy trì ở mức cao và tương đối ổn định, tổng sản phẩm quốc nội toàn Vùng năm 2012 đạt gần 650.000 tỷ đồng, chiếm 21,72% so với cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.748 USD/ năm.

thu-do.jpg
Nhiệm vụ quy hoạch đặt ra, Vùng Thủ đô phải có chất lượng đô thị cao, cơ sở hạ tầng đồng bộ. (Ảnh: Thanh Hải/KTĐT)

Cơ cấu kinh tế trong Vùng dịch chuyển nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hệ thống đô thị phát triển về quy mô và ngày càng nâng cao về chất lượng; 119 khu công nghiệp trong Vùng đang được hình thành theo đúng định hướng Quy hoạch. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như lĩnh vực nhà ở phát triển vượt bậc…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, việc cụ thể hóa Quy hoạch còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư; công tác quản lý phát triển đô thị, khu công nghiệp thiếu đồng bộ, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cho biết: “So với các dự án hạ tầng giao thông, thì việc triển khai các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khác trong vùng còn chậm, thiếu đồng bộ, thiếu kết nối, còn thiếu nhiều dự án hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa… Công tác phát triển nhà ở nhiều địa phương mới chỉ chú ý phát triển nhà ở thương mại, nhà ở theo cơ chế thị trường, còn nhà ở để phục vụ cho người thu nhập thấp, đặc biệt ở các đô thị vẫn chưa được quan tâm”.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô để khai thác tối đa các yếu tố tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng, đồng thời sớm cụ thể hóa Quy hoạch Vùng Thủ đô. Trong tổ chức thực hiện, cần ưu tiên đầu tư các dự án quan trọng cấp vùng, khắc phục tình trạng manh mún, tự phát, phong trào, thiếu quy hoạch trong phát triển đô thị, khu công nghiệp, gây lãng phí nguồn lực như thời gian qua./.