Chiều 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tình hình lao động, việc làm quý 1/2022, bàn các giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động.
Tại cuộc họp, các đại biểu nhận định, những tháng đầu năm diễn ra tình trạng thiếu hụt lao động, phần lớn là lao động giản đơn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ người lao động nhiễm Covid-19 nhiều, một số lao động ở nhà chăm sóc con khi trường học chưa mở cửa dẫn tới thiếu hụt lao động trong thời gian ngắn. Hiện, các địa phương đã qua đỉnh dịch Covid-19, do đó, tình trạng thiếu hụt lao động đã giảm đi.
Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh nhận định, đến thời điểm này, doanh nghiệp thiếu 10%-20% lao động, chủ yếu là thiếu lao động có kỹ năng. Vì vậy họ rát muốn giữ chân lao động này bằng cách tăng lương sau tết 5-8%. Đồng thời có phụ cấp xăng xe, ăn trưa, đặc biệt là cho lao động có thâm niên để lao động có tay nghề, đã được đào tạo nhiều tiếp tục làm việc với doanh nghiệp.
Đề cập tới tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần tăng nhẹ so với cùng kỳ các năm trước, các đại biểu cho rằng, tình trạng này phản ánh đời sống người lao động khó khăn, có nơi người lao động vay lãi nặng để trang trải. Các ý kiến đề nghị, các địa phương cần có khảo sát, nhất là với nhóm lao động gặp khó khăn này.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, cần có các chính sách về nhà ở cho công nhân. Trong đó, đề xuất cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân lao động.
Bên cạnh đó, cần tổ chức đa dạng các hình thức tuyên tuyền, phổ biến thông tin để người lao động quay trở lại thị trường lao động; tiếp tục có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Bộ Lao động khẩn trương trình thủ tướng Chính phủ Nghị định về mức lương tối thiểu năm 2022.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất: “Cần Ban hành chính sách nhằm thu hút lao động tại các khu kinh tế trọng điểm, trong đó có cái đáng quan tâm đó là nhà ở. Cùng với đó là nơi học tập cho con công nhân, nhất là những trường công.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề, gần đây chúng ta đang có chủ trương đào tạo nghề ngắn hạn nhất là trong thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh, các tác động cảu cách mạng 4.0…những điều kiện khá chín muồi, để phải tập trung. Chúng tôi thấy cái này chúng ta phải đầu tư mạnh hơn nhiều hơn cho công tác đào tạo nghề”.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương nắm tình hình, khó khăn của người lao động, đặc biệt là khó khăn ngắn hạn để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ. Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt là Quyết định 08, hỗ trợ 1,5 triệu cho công nhân, yêu cầu ngành lao động, bảo hiểm xã hội các địa phương khẩn trương triển khai. Theo báo cáo thì triển khai còn chậm.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số lao động có việc làm quý 1 năm nay tăng trở lại, với 50 triệu người, tăng hơn 130 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, có thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, thiếu hụt khoảng 120 nghìn lao động, tương đương với gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng.
Đặc biệt, thiếu hụt lao động chủ yếu ở các ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, dịch vụ, giáo dục. Dự báo, năm nay dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực tới 5 triệu lao động và vẫn mất cân đối cung cầu lao động cục bộ. Thiếu hụt lao động dự kiến tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong khi các tỉnh, thành phố dư cung lao động lại thiếu việc làm./.