Sáng 28/3 tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã họp phiên thứ nhất để bàn triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.

truong_hoa_binh_iink.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Thời gian vừa qua, với phương châm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Đến nay, về tổng thể, hệ thống pháp luật nước ta đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; chất lượng các văn bản pháp luật dần được nâng lên, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước…

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập như hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển; tình trạng pháp luật mâu thuẫn, bất cập, không khả thi, vướng mắc gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước, làm chậm sự phát triển, chậm được phát hiện, cần được khắc phục kịp thời như vấn đề, thủ tục về đất đai, cổ phần hoá, giải ngân vốn đầu tư công…

Để khắc phục cho được những hạn chế này, Phó Thủ tướng đề nghị, Tổ công tác phải xác định trên tinh thần thống nhất, nâng cao nhận thức trong xây dựng, rà soát hệ thống pháp luật. Đó là, văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn sẽ tác động, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với pháp luật, chính sách, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.

Trước diễn biến hết sức phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, khó dự báo, tác động tiêu cực, nghiêm trọng, toàn diện đến kinh tế, xã hội đất nước, đời sống nhân dân, Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang phải tập trung tối đa nguồn lực cho công tác phòng chống đại dịch, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển.

Do đó, cần có các biện pháp nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và tăng tốc khi dịch bệnh qua đi, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời các vấn đề về thể chế, chính sách và pháp luật./.