Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Thượng nghị sỹ Bob Corker, bày tỏ hài lòng trước những tiến triển thực chất, tích cực trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, thương mại, giáo dục, khoa học công nghệ, nhân đạo… trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, đặc biệt là sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013; cho rằng hai nước còn rất nhiều tiềm năng để tăng cường quan hệ trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ông Bob Corker cũng như Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ và thúc đẩy việc tăng cường trao đổi đoàn, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, tiếp tục dành cho Việt Nam sự linh hoạt và đối xử khác biệt trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như đã cam kết, tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam...
Thượng nghị sỹ Bob Corker bày tỏ vui mừng lần đầu tiên tới thăm Việt Nam, cho rằng quan hệ song phương được tăng cường sẽ đáp ứng tốt hơn lợi ích của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực. Trên tinh thần đó, ông Bob Corker bày tỏ ủng hộ việc đẩy nhanh triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Đối tác toàn diện; hiểu những quan tâm và lợi ích của Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP, mong muốn Việt Nam và Hoa Kỳ cùng các nước khác sớm hoàn tất đàm phán TPP, xem đây là cơ hội để các nước mở cửa thị trường và đổi mới mô hình phát triển kinh tế.
Tại buổi tiếp, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao tiếng nói của Thượng viện Hoa Kỳ đóng góp tích cực và xây dựng vào hoà bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới. Thượng Nghị sỹ Bob Corker bày tỏ quan ngại và quan tâm đến diễn biến tình hình ở Biển Đông gần đây, đặc biệt liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhất trí cho rằng mọi tranh chấp về chủ quyền cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có công ước quốc tế về Luật biển 1982./.