Nhìn lại một năm qua có thể thấy, hoạt động đối ngoại đã được triển khai sâu rộng và đã đem lại những kết quả cụ thể. Không chỉ góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển đất nước, tranh thủ nguồn lực cho công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa mà còn hỗ trợ bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Thúc đẩy hợp tác, giải quyết những bất đồng

2013 là năm ghi những dấu ấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại Việt Nam với những thành tựu mang tính toàn diện trên cả 3 mục tiêu là phát triển, an ninh và vị thế. Quan hệ đối ngoại được thúc đẩy trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, văn hóa… với nhiều đối tác ở mọi châu lục, cả quan hệ song phương lẫn quan hệ đa phương.

Đặc biệt, Việt Nam đã tập trung thúc đẩy hợp tác với tất cả các nước lớn trên thế giới, thể hiện qua các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao như chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Liên minh châu Âu, Anh, Italy; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc, Mỹ; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Pháp...

tong%20bi%20thu-%20chau%20au.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso

Đồng thời lãnh đạo các nước lớn cũng tới thăm Việt Nam, như chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Việt Nam ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Những chuyến thăm ngoại giao lẫn nhau không chỉ làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước, mà còn là con đường đối thoại quan trọng để giải quyết những bất đồng do tranh chấp. Điển hình, trong năm 2013, mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã có những cải thiện. Những tranh chấp trên biển Đông đã có phần lắng dịu nhờ vào những nỗ lực ngoại giao song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như ngoại giao đa phương khu vực giữa Việt Nam với các nước ASEAN.

Việt Nam đã nỗ lực cùng các thành viên ASEAN giải quyết các thách thức về nguy cơ chia rẽ và thử thách lòng tin về vấn đề Biển Đông trong nội bộ ASEAN, củng cố sự hợp tác và đoàn kết nội khối, giữ vững tiếng nói chung của ASEAN trong nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cũng như trong quan hệ với các nước lớn bên ngoài, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cho rằng: "Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như mở rộng quan hệ của ASEAN với các đối tác. Chúng ta đã có những đóng góp vào những mục tiêu ưu tiên chung của ASEAN và những biện pháp cần thiết để chia sẻ, tựu chung là làm sao xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết vững mạnh, tăng cường sự hợp tác của ASEAN với các nước, bảo đảm được môi trường hòa bình khu vực. Về vấn đề Biển Đông, chúng ta ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN đã có là nguyên tắc 6 điểm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển và giải quyết hòa bình các tranh chấp".

Xác lập khuôn khổ quan hệ với toàn bộ các đối tác quan trọng

Một trong những điểm nhấn ngoại giao quan trọng trong năm 2013 là Việt Nam đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước lớn như Pháp, Italy, Indonesia, Thái Lan và Singapore, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 14 quốc gia. Bên cạnh đó, trong năm qua, với việc xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trong ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 5 quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc và nhiều đối tác lớn khác.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng (Ảnh: AP)

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường nhận định: Với việc xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ với nội dung gồm 9 lĩnh vực hợp tác, thì lần đầu tiên sau nhiều năm, về cơ bản chúng ta đã hoàn thành việc xác lập một mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các đối tác quan trọng nhất trên thế giới. Đáng chú ý là trong đó có cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, những nước nòng cốt trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp đã tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chịu nhiều tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam năm 2013 vẫn đạt con số ấn tượng, hơn 20 tỷ USD, tăng hơn 65% so với năm trước. Cùng với đó, vận động chính trị-ngoại giao cũng tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Đặc biệt, năm 2013, Việt Nam đang nỗ lực để tiến tới một Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, cũng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm tới, đồng thời khởi động đàm phán Liên minh thuế quan với Nga - Belarus - Kazakhstan. Những hiệp định này sẽ tạo những nền tảng cơ bản để giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn với kinh tế quốc tế.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngoại giao với sự phát triển kinh tế của đất nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: "Chúng ta đã vận động thêm được 14 nước, nâng tổng số nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam lên 43 nước, trong đó có 8 nước G-20. Hiện nay, ta đang đàm phán 6 Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với các đối tác quan trọng trong các khuôn khổ đa phương và song phương, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh hợp tác, chúng ta cũng kịp thời đấu tranh với các hành vi bảo hộ, phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại, góp phần bảo vệ nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta trong các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu…

Thông điệp “Lòng tin chiến lược”

Không chỉ làm nổi bật các mối quan hệ đối thoại song phương, trên bình diện quốc tế, năm 2013 là năm hết sức thành công của Việt Nam. Hình ảnh Việt Nam được bạn bè quốc tế nhìn nhận. Việc lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự một diễn đàn về an ninh quốc tế và có bài diễn văn tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-la tại Singapore đưa ra thông điệp về xây dựng “Lòng tin chiến lược” đã được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La và trả lời câu hỏi của các đại biểu

Giáo sư Carl Thayer (thuộc Học viện Quốc phòng Australia) đã không ngần ngại nói rằng “Đây là một bài phát biểu đầy sức mạnh và cụm từ “lòng tin chiến lược” mà Thủ tướng Việt Nam đề cập đã trở thành một câu nói mang tính phổ biến ngay sau đó”.

Tiếp sau đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tiếp tục là tâm điểm của báo chí thế giới, bình luận coi đây là một thành công trong ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), được bầu vào Ủy ban liên Chính phủ của Công ước 1972 về Di sản thế giới của Tổ chức UNESCO, đặc biệt là Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất, đã tạo dựng hình ảnh một Việt Nam tích cực, có trách nhiệm trước những vấn đề quan tâm chung của nhân loại.

Trưởng phái đoàn đại diện ngoại giao Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Hoài Trung cho biết: Liên Hợp Quốc thấy rằng, Việt Nam có quan điểm tích cực trên nhiều vấn đề và là đối tác có thể hợp tác tốt. Tất cả các vấn đề quốc tế lớn như không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ quyền bình đẳng phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người yếu thế, Việt Nam đều có quan điểm tích cực. Vì thế Liên Hợp Quốc thấy rằng Việt Nam thể hiện thái độ tích cực và đóng góp xây dựng.

Năm 2013 sắp qua đi, nhưng những dấu ấn của Việt Nam sẽ còn lan toả mạnh mẽ, tiếp sức để ngoại giao Việt Nam thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích dân tộc, nâng cao vị thế đưa đất nước tiến đến kỷ nguyên của hợp tác, phát triển vì hòa bình và thịnh vượng chung./.