Chiều nay (16/12), tại Nhà khách Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.
Tại hội đàm, hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước thời gian qua, nhất là những tiến triển quan trọng kể từ khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện như tăng cường tiếp xúc cấp cao, ký tắt Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự (Hiệp định 123), đạt tiến bộ thực chất trong đàm phán song phương về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc Hoa Kỳ bỏ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 01/2/2011-31/1/2012, Vietnam Airlines đạt thỏa thuận mua 40 động cơ máy bay của Tập đoàn GE…
Hai bên cũng trao đổi các biện pháp nhằm tiếp tục triển khai quan hệ Đối tác toàn diện trên các lĩnh vực trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ, nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các bộ/ngành.
Phát biểu tại buổi họp báo sau hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi hài lòng trước những bước phát triển thực chất trong quan hệ trên bình diện song phương và đa phương, kể từ khi hai nước xác lập đối tác toàn diện trong chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2013 vừa qua. Và chúng tôi cũng đã trao đổi nhiều biện pháp để tiếp tục triển khai đối tác toàn diện, đưa quan hệ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trên tất cả các lĩnh vực. Chúng tôi cũng nhất trí, hai bên sẽ tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại hiện có và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị phía Hoa Kỳ tiếp tục dành linh hoạt cho Việt Nam trong đàm phán TPP, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cần thiết trong giai đoạn thực thi Hiệp định; mở cửa hơn nữa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam, hạn chế các vụ kiện chống phá giá và trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, y tế, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề da cam/dioxin, xử lý bom mìn và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Tại buổi hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh ý nghĩa của việc hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện; khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách của Hoa Kỳ với Châu Á-Thái Bình Dương và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị-đối ngoại, kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, cho tới y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu, giải quyết hậu quả chiến tranh….
Phát biểu tại buổi họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Trước hết là quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Quan hệ hợp tác này đang ngày một phát triển. Tôi đánh giá cao những chương trình giáo dục của Hoa Kỳ tại Việt Nam như Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đồng thời mong muốn nỗ lực đưa chương trình này trở thành chương trình Fulbright lớn nhất trên thế giới. Lĩnh vực hợp tác thứ hai là thương mại. Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng 50 lần kể từ năm 1995. Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ tại khu vực, và chúng ta đang tiếp tục làm việc vì mục tiêu đó. Lĩnh vực hợp tác thứ ba là môi trường và chống biến đổi khí hậu. Lĩnh vực thứ tư là Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh khu vực và hỗ trợ nhân đạo”.
Ngoại trưởng John Kerry cũng đánh giá cao những tiến triển trong đàm phán TPP, khẳng định Hoa Kỳ sẽ sớm hoàn tất các thủ tục nội bộ để ký chính thức Hiệp định 123; thông báo phía Hoa Kỳ sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề da cam/dioxin, khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; cam kết tăng hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề an ninh nguồn nước sông Mekong thông qua Sáng kiến hạ nguồn Mekong (LMI). Về một số vấn đề còn có quan điểm khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, tích cực và xây dựng.
Hai bên cũng thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và quốc tế; khẳng định ủng hộ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực cũng như trong một cấu trúc đang định hình tại Châu Á – Thái Bình Dương. Hai bên khẳng định tiếp tục cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, đảm bảo tự do và an toàn, an ninh hàng hải; nhất trí cho rằng những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)./.