Sáng nay (18/3), Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về công tác cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tội, phạm, phòng chống buôn lậu.

ptt_olpu.jpgPhó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại tỉnh Kiên Giang

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá, đứng thứ 3 trong vùng ĐBSCL, các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế -xã hội được địa phương triển khai nhanh, đồng bộ như khu lấn biển Bắc Rạch Giá, đường Hành lang ven biển phía Nam… tiếp tục hoàn chỉnh đề án thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc để trình Bộ Chính trị…

Về công tác phòng chống tội phạm, năm qua tỉnh đã kiểm tra phát hiện hơn 2.000 vụ việc vi phạm về buôn lậu, mua bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại. Đã xử lý vi phạm nộp ngân sách hơn 75,5 tỷ đồng, xử lý hình sự 60 vụ, khởi tố 93 đối tượng.

Theo nhận định, tình hình hoạt động của các loại tội phạm ở địa bàn Kiên Giang ngày càng tăng. Năm 2014 tội phạm tăng hơn 8,6%, chủ yếu là buôn lậu, ma túy, trộm cướp, gây rối trật tự công cộng. Đặc biệt, tình hình buôn lậu trên biển diễn biến ngày càng phức tạp; số người nghiện ma túy ngày càng gia tăng. Riêng tội phạm tham nhũng chủ yếu do cơ quan quản lý lỏng lẻo, không có vụ việc mang tính có tổ chức.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chuyển biến rất rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Giang, có nhiều định hướng phát triển tốt. Mặc dù tỉnh có hơn 19% là đồng bào dân tộc nhưng tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn  3,58%; 100% hộ nghèo, cận nghèo đều có bảo hiểm y tế là một sự nỗ lực, quyết tâm lớn của tỉnh.

Về công tác phòng chống tội phạm, tỉnh cần quán triệt sâu rộng trong nội bộ và nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, không thể để tội phạm lộng hành.

Về giải pháp để khắc phục tình trạng gia tăng các loại tội phạm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Về buôn lậu, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những cán bộ tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả. Thứ hai là phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, kịp thời phát hiện những ổ nhóm buôn lậu, không để tình trạng buôn lậu xâm nhập ở Kiên Giang quy mô như những vụ trước đây. Thứ ba, các đồng chí phải nắm chắc tình hình, chủ động đề ra biện pháp phòng ngừa, không để tội phạm hoạt động phức tạp, lộng hành”./.