Hội nghị do Liên Hợp Quốc chủ trì với sự tham gia của các nhà lãnh đạo các nước, Bộ trưởng phòng chống thiên tai, đại diện các Tổ chức quốc tế, Tổ chức phi chính phủ...

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị theo lời mời của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon,

Sendai là thành phố chịu hậu quả nặng nề nhất trong thảm họa kép tháng 3/2011.

Trận động đất kéo theo sóng thần đã làm chết và mất tích gần 20.000 người, phá hủy hơn 130.000 nhà, di dời 470.000 người, để lại khối lượng rác 18 triệu tấn, tổng thiệt hại lên đến gần 20.000 tỷ Yên.

Theo chính phủ Nhật Bản, nếu không có những hệ thống thông tin dự báo hiện đại, sự chủ động phòng tránh, sơ tán kịp thời của người dân thì số thiệt hại còn lớn hơn nhiều.

Đây không phải lần đầu Hội nghị này được tổ chức tại Nhật Bản. Hội nghị lần thứ nhất đã được tổ chức tại Yokohama vào năm 1994 và lần thứ hai tại Kobe năm 2005.

Hội nghị lần này là cơ hội để chính phủ các nước và những bên liên quan trong khu vực tái khẳng định cam kết thực thi Khung hành động Hyogo giai đoạn 2005-2015.

Đây là bản kế hoạch hành động chi tiết trên phạm vi toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, được 168 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2005 tại thành phố Kobe, tỉnh Hyogo, Nhật Bản.

Đây cũng là dịp để Nhật Bản giới thiệu với bạn bè thế giới về những kinh nghiệm, bài học mà Nhật Bản đã trải qua trong hoạt động phục hồi khu vực chịu hậu quả nặng nề do sóng thần xảy ra vào tháng 3/2011 cũng như những đóng góp của cộng đồng quốc tế vào phòng chống giảm nhẹ thiên tai.

Đồng thời, Hội nghị sẽ thảo luận những kinh nghiệm, đề xuất của các nước, khu vực liên quan tới phòng chống thiên tai; thông qua Khung hành động Hyogo liên quan tới phòng chống thiên tai sau năm 2015; Thiết lập phương thức hợp tác nhằm thực hiện Khung hành động này...  

Để chuẩn bị cho Hội nghị lần này, Nhật Bản cùng với 10 nước khác trên thế giới đã thiết lập lộ trình chuẩn bị, thành lập tổ công tác từ trung tuần tháng 2/2014.

Tháng 7 và tháng 11/2014, Hội nghị chuẩn bị cấp chính phủ đã được tổ chức tại Geneva, xây dựng bản thảo Khung hành động Hyogo sau năm 2015.  

Hội nghị toàn cầu lần thứ 3 về giảm nhẹ rủi ro do thiên tai của Liên Hợp Quốc tập trung vào những điểm lớn như: Tổng kết báo cáo Chiến lược và kế hoạch hành động Yokohama; Xác định hành động cụ thể nhằm thực hiện những điều khoản liên quan tới phòng chống thiên tai và đánh giá những rủi ro nằm trong kế hoạch của Hội nghị cấp cao thế giới về phát triển bền vững...

Việt Nam cũng đang tham gia tích cực vào hoạt động chung của các nước trên thế giới về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Cụ thể tham dự các Hội nghị của Liên Hợp Quốc về phòng chống thiên tai, ủng hộ những nước chịu hậu quả nặng nề do thiên tai.../.