Sáng 3/3 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế chủ trì phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban chỉ đạo nhằm tổng kết hoạt động hội nhập quốc tế năm 2014 và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.
Trong năm qua, Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN; đề xuất và triển khai thành công sáng kiến tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên ASEAN-EU; thực hiện tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng như tổ chức thành công hội nghị đầu tiên về đối ngoại đa phương. Các hoạt động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh cũng ngày càng đi vào thực chất, tạo được sự ủng hộ đối với công tác bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển Đông. Việt Nam cũng phát huy tốt vai trò thành viên Ủy ban di sản thế giới và đã ký Hiệp định hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân…
Các ý kiến tại phiên họp cũng tham gia đóng góp vào trọng tâm đối ngoại đa phương đến năm 2020, đồng thời phân tích những thách thức đang nổi lên trong quá trình hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở nghe ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chính phủ đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế bằng chương trình hành động cụ thể. Hoạt động hội nhập quốc tế trong hai năm qua được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước, nhất là tạo môi trường thuận lợi và nguồn lực cho đầu tư phát triển và cộng đồng quốc tế chia sẻ, ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền quốc gia. Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục ngày càng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm mở cửa thị trường, cạnh tranh là tất yếu, còn bảo hộ một chiều là tự kìm hãm sự phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh: “…Các hạn chế có cả hai mặt, chúng ta đấu tranh, chúng ta bảo hộ để bảo vệ lợi ích chính đáng trong nước là đúng, là cần nhưng phải phân tích kỹ, lĩnh vực nào phải mở từng bước để thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh để phát triển theo kinh tế thị trường. Bây giờ chúng ta phải cạnh tranh. Tuy nhiên hội nhập phải có lộ trình, tính toán lợi ích nhưng không thể không mở cửa; bảo hộ một chiều chỉ làm chậm sự phát triển của chúng ta…”.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ trên thế giới phát triển mạnh mẽ, xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: năm 2015 tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực mà trọng tâm là kinh tế. Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành và địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch hội nhập quốc tế trong từng ngành, từng lĩnh vực; tập trung kiện toàn tổ chức Ban chỉ đạo quốc gia và từng Ban chỉ đạo liên ngành trên cơ sở phát huy hoạt động của các đơn vị chuyên môn ở từng cấp, gắn với quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với các đối tác ngày càng tin cậy, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn; tăng cường quan hệ ngoại giao trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chủ quyền quốc gia theo luật pháp quốc tế và bảo đảm hòa bình, an ninh của đất nước; tập trung khai thác các lợi thế các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và sắp ký kết để thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: Không chỉ tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương, Việt Nam còn phải tiếp tục chủ động đề xuất sáng kiến và tích cực cùng xây dựng luật chơi chung, vừa nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam, vừa phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia, gắn với tích cực triển khai các điều ước quốc tế song song với nội luật hóa.
Thủ tướng lưu ý trong quá trình hội nhập quốc tế cần chú trọng đến lĩnh vực luật pháp; chủ động đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông; phát huy trí tuệ của Việt kiều là nhân sỹ, trí thức cũng như góp phần củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nêu rõ trong quá trình hội nhập quốc tế việc di chuyển thể nhân diễn ra sôi động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành liên quan cần đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm an ninh trật tự và tăng cường công tác bảo hộ công dân tại nước ngoài. Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị đề cao trách nhiệm và hành động của các cấp, ngành và địa phương nhằm đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước./.