Chiều 22/8, tiếp tục phiên làm việc, UBTVQH khoá XIIIcho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật lưu trữ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2011).

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật lưu trữ. Ý kiến chung của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này.

Ngay sau kỳ họp, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Báo cáo Một số vấn đề lớn xin ý kiến chỉ đạo của UBTVQH về dự án Luật lưu trữ nêu 5 vấn đề: Về việc quản lý tài liệu thuộc Phông lưu trữ, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là toàn bộ tài liệu lưu trữ không phân biệt nguồn gốc và thời gian hình thành, nơi bảo quản, hình thức sở hữu, được Nhà nước bảo quản hoặc thống kê.

Đồng thời, xác định rõ việc bảo quản, lưu trữ tài liệu có thể ở nhiều nơi và do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện (như Lưu trữ lịch sử, lưu trữ cơ quan, lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ), những quy trình, nghiệp vụ lưu trữ và việc quản lý nhà nước về lưu trữ phải được thực hiện thống nhất.

Về tổ chức lưu trữ, Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho biết, mặc dù pháp luật về lưu trữ hiện hành quy định Lưu trữ lịch sử được tổ chức ở 3 cấp là Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Nhưng thực tế triển khai mới chỉ có cấp tỉnh tổ chức được Lưu trữ lịch sử với biên chế khoảng 3-5 người, còn cấp huyện chỉ có một số ít nơi thành lập Lưu trữ lịch sử, vì khối lượng tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử hình thành ở cấp huyện không nhiều và phần lớn những tài liệu này có nội dung được bao hàm trong tài liệu lưu trữ cấp tỉnh. Vì vậy, việc quy định chỉ tổ chức Lưu trữ lịch sử 2 cấp là Trung ương và cấp tỉnh như trong Dự thảo Luật là phù hợp.

Đối với tài liệu lưu trữ ở Lưu trữ lịch sử đã được thành lập ở một số ít huyện hiện nay thì sau khi Luật có hiệu lực sẽ được chuyển về Lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh để quản lý, lưu trữ.

Về Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ, dự thảo Luật quy định gồm Chủ tịch Hội đồng và các Uỷ viên là người trực tiếp làm lưu trữ, đại diện lãnh đạo của đơn vị có tài liệu và chuyên gia am hiểu về tài liệu, bảo đảm khi Luật được ban hành có thể thực hiện được ngay trên thực tế, mà không cần phải có văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Về thời hạn được cấp phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử: Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sau 10 năm kể từ ngày hoàn thành công việc, các tài liệu thuộc diện nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử (gồm cả tài liệu mật) được giao nộp cho Lưu trữ lịch sử.

Khi hết thời hạn 40 năm, 60 năm theo quy định thì tài liệu mật đương nhiên được giải mạt và sử dụng rộng rãi. Đối với những tài liệu mặc dù đã hết thời hạn 40 năm, 60 năm theo quy định nhưng cần tiếp tục được bảo mật, chưa thể công khai thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Báo cáo cũng nêu rõ, các hoạt động dịch vụ lưu trữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thực hiện; đồng thời bổ sung các quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức, cá nhân và lĩnh vực hoạt động lưu trữ.

Dự thảo cũng bổ sung 2 điều quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ và về Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; kết hợp với quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ xây dựng thành một chương riêng.

Các ý kiến thảo luận tại phiên họp cơ bản thống nhất với Báo cáo của Uỷ ban Pháp Luật Quốc hội và đóng góp thêm ý kiến làm rõ hơn các nội dung trong dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, điều 18 quy định về Hội đồng xác định giá trị tài liệu đã được làm rõ hơn có tính thuyết phục.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu ý kiến: Nên chăng căn cứ vào cấp độ Mật- Tối mật- Tuyệt mật của tài liệu để quy định thời gian giải mật, vì nhiều tài liệu tuy đã lạc hậu, tính mật không còn cao nhưng vẫn được lưu giữ mà không được công khai.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đối với những tài liệu cần tiếp tục được bảo mật sau khi hết thời gian quy định cũng cần quy định rõ thời gian kéo dài là bao lâu.

Có ý kiến nhấn mạnh, mục đích cuối cùng của việc lưu trữ các tài liệu đều nhằm phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân. Tài liệu đó, đến một thời điểm cụ thể cần được công khai, người dân phải được tiếp cận khai thác, sử dụng, nếu không việc lưu trữ không có nhiều ý nghĩa.

** Chiều cùng ngày, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khiếu nại./.