Sáng nay (9/8), tại Hà Nội, Đại hội toàn quốc lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam bước sang ngày làm việc chính thức.
Dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội, các nhà báo lão thành, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và hơn 500 đại biểu đại diện cho 22.000 nhà báo hội viên trên cả nước.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng, biểu dương những đóng góp to lớn của báo chí cả nước cũng như của Hội Nhà báo Việt Nam thời gian qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, trong tình hình mới, báo chí cần phát huy truyền thống, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đội ngũ người làm báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, góp phần vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, kiên quyết loại bỏ những tin bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm, đời sống xã hội.
Về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: “Các cấp Hội Nhà báo cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp hội viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện quy định, đạo đức người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện phong phú, hấp dẫn. Phối hợp chặt chẽ cá ban, ngành chức năng, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo để không ngừng nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội”.
Trước đó, đánh giá về hoạt động báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành khóa 9 trình Đại hội nêu rõ, 5 năm qua, báo chí cả nước nói chung, Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội Nhà báo Việt Nam đã thực sự trở thành tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp vững mạnh của người làm báo cả nước, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân. Hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí, đa số tạo được mô hình hoạt động đa phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại và tự chủ về tài chính.
Trong nhiệm kỳ qua, có thêm 3 Liên chi hội, 40 chi hội được thành lập, tăng thêm 5.000 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 22.000. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa đổi mới, một số hoạt động còn mang tính hình thức. Hoạt động báo chí thời gian qua cũng còn những hạn chế, khuyết điểm, ảnh hưởng đến công tác thông tin truyền thông cũng như uy tín của đội ngũ nhà báo.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết: “Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa coi trọng đúng mức việc phát hiện và tuyên truyền các điển hình tiên tiến, vẫn còn tình trạng đưa thông tin thiếu chính xác, sa đà vào chuyện giật gân, câu khách, đưa nhiều thông tin tiêu cực, mặt trái của xã hội. Một số cơ quan báo chí mở thêm ấn phẩm phụ, kênh sóng, chương trình theo hướng xã hội hóa, nhưng chưa quản lý chặt chẽ nội dung còn để sai phạm. Một số cán bộ phóng viên cơ quan báo chí thiếu rèn luyện tu dưỡng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật đã bị xử lý. Hội Nhà báo Việt Nam cũng có trách nhiệm về những yếu kém đó”.
Báo cáo đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm và 8 giải pháp căn bản của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 10 (2015-2020) nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí; thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đồng thời, tiếp tục đổi mới hoạt động và củng cố tổ chức Hội, xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng chuyên nghiệp, vững vàng về tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nhà báo…
Qua các phiên họp nội bộ trong 2 ngày (7 và 8/9), Đại hội đã giới thiệu và bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo VN khóa 10 gồm 57 đồng chí.
Ban Chấp hành đã họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ban Kiểm tra.
Tại phiên họp sáng nay, Ban Chấp hành khóa 10 đã chính thức ra mắt. Ông Thuận Hữu – Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 9 tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 10./.