“Chúng tôi nghĩ rằng, yêu cầu Mặt trận lần này lắng nghe ý kiến nhân dân là yêu cầu xuyên suốt. Ở đâu nhân dân muốn nói, đóng góp, cảm thấy chưa được kịp thời, chưa được đầy đủ thì Mặt trận phải là địa chỉ cuối cùng để nhân dân góp ý và nhân dân có quyền đặt ra yêu cầu đó” – Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh trong buổi trả lời báo chí trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019.

ong_nhan_yjxe.jpgÔng Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh trong buổi trả lời báo chí trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Đại hội MTTQ VN lần thứ 8 diễn ra vào tháng 9/2014, nhưng đại hội MTTQ ở cấp xã đã diễn ra từ cuối năm ngoái đến tháng 1. Sau đó tháng 2-3 là cấp quận huyện, tháng 5-6-7 là cấp tỉnh, thành. Có một cơ chế đã hình thành từ đầu năm nay là cứ 3 tháng 1 lần, MTTQ cấp tỉnh và TƯ phải hoàn thành một báo cáo về tình hình nhân dân, trong đó nêu ý kiến của nhân dân. “Chúng tôi đã tập hợp báo cáo cho Chính phủ cũng như Gần đến dịp Đại hội, trong tháng 8 vừa qua, Mặt trận đã tổ chức 5 buổi lấy ý kiến của các chuyên gia. Ví dụ nguyên lãnh đạo Mặt trận các thời kỳ, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp đã nghỉ, các chuyên gia trên các lĩnh vực để lắng nghe ý kiến”.

“Nói lên sự thật phải là chức năng của Mặt trận”

Ở cuộc gặp ngày 6/8 vừa qua, có ý kiến phát biểu của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về việc Mặt trận phải làm sao thể hiện được chức năng phản biện của mình. Đặc biệt bà nói Mặt trận phải dũng cảm nói lên sự thật, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để lãnh đạo có quyết sách phù hợp. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng đó là yêu cầu hết sức chính đáng, không phải của riêng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, mà rất nhiều người dân, đảng viên đều có yêu cầu với Mặt trận như vậy. Chúng tôi sẽ cố gắng làm theo yêu cầu đó bởi Mặt trận có chức năng mà Hiến pháp 2013 quy định đại diện và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong phương châm công tác, chúng tôi có nêu Mặt trận phải lắng nghe nhân dân nói, lắng nghe rồi thì truyền đạt đến những địa chỉ cần thiết để các cấp lãnh đạo có thể tiếp nhận những thông tin đó, đồng  thời theo dõi việc trả lời”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, gần đây nhất, tại kỳ họp QH tháng 6 vừa rồi, Mặt trận đã có báo cáo về tình hình nhân dân trước QH, trong đó đề cập đến 6 vấn đề lớn nhân dân cả nước quan tâm. Sau đó trong vòng 2 tuần, 9 Bộ,  ngành Trung ương có văn bản gửi cho Mặt trận để nói họ đã làm gì, họ sẽ làm gì trên lĩnh vực đề cập đến. Tức là một phản hồi tự nhiên, trước đây chưa bao giờ có cả. Trước đây có ai phản hồi hay không là quyền của họ. Lần này các Bộ trưởng chủ động phản hồi trở lại. Đó là một tín hiệu rất tốt, hình thành cơ chế đối thoại.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng “việc nói lên sự thật có cần phải dũng cảm không”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ đó là việc Mặt trận phải làm, là chức năng của Mặt trận. Vấn đề là chúng ta phải thu nhận chính xác ý kiến người dân, nói tới nhân dân nhưng tập hợp cho đúng. Cùng một vấn đề có thể nhân dân có ý kiến khác nhau, nếu chỉ nói 1 ý kiến, 1 loại chưa chắc đã đúng. Nên yêu cầu lắng nghe phải có tính toàn diện, lắng nghe rồi, phân loại ra và phải nói đầy đủ ý kiến đó với các cấp có liên quan”.

Không né tránh câu hỏi liệu việc các Bộ ngành trả lời nhanh ý kiến của Mặt trận có phải là do uy tín của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam- ủy viên Bộ Chính trị, và đã từng là thành viên Chính phủ, ông Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn cho rằng: “Đó là trách nhiệm chính trị, các Bộ trưởng thấy được trách nhiệm chính trị trước nhân dân. Khi chúng tôi đọc báo cáo đó là mặt trận chứ không phải cá nhân. Có lẽ họ đã cảm nhận và có ý thức trách nhiệm cần phải đáp lại những ý kiến đó, họ làm một cách hết sức tự giác, trước kia thì không Mặt trận phải chịu sự giám sát của nhân dân”.

Đổi mới phải bắt nguồn từ suy nghĩ, cách làm

Về kỳ vọng của các nhân sĩ trí thức, đại biểu tôn giáo cho đến các tầng lớp nhân dân về công tác Mặt trận sẽ có nhiều đổi mới trong nhiệm kỳ tới, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Lịch sử đã chứng minh rằng sự lãnh đạo của Đảng hết sức quan trọng, yếu tố quyết định đến phát triển đất nước. Nhưng cuộc sống cũng chứng minh rằng, nếu chỉ có một đảng lãnh đạo mà không có sự giám sát của nhân dân, không lắng nghe ý kiến đầy đủ của dân, không chịu trách nhiệm đầy đủ với dân thì có nguy cơ bị xa rời dân, nguy cơ quan liêu, tham nhũng.

Trong Hiến pháp lần này có một đoạn mới là Điều 2 nói về Đảng: Đảng phải gắn bó với nhân dân, phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. 

 Ở các nước khác, họ cho rằng phải đa đảng mới làm cho chế độ dân chủ phát triển được. Vậy thì trong đặc điểm của chúng ta, một đảng cầm quyền nhưng tổ chức nào, cơ chế nào làm cho Đảng vẫn ngày càng gắn bó với dân, vẫn chịu trách nhiệm đầy đủ đối với dân?

Về mặt thể chế nhà nước có Quốc hội- cơ quan giám sát, tuy giám sát Chính phủ nhưng gián tiếp giám sát cho Đảng. 

Về mặt nhân dân, Mặt trận có một vinh dự rất lớn, được trao quyền trách nhiệm thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tức là giám sát, phản biện cho nhân dân. Nhưng bản thân Mặt trận cũng cần được giám sát. “Trong Báo cáo chính trị, khi nói về đánh giá hạn chế công tác Mặt trận vừa qua, chúng tôi có nêu một nguyên nhân là chưa có cơ chế nhân dân giám sát Mặt trận. Sắp tới sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết lý luận thực tiễn để Mặt trận phải chịu sự giám sát của nhân dân. Chính vì vậy, khi nhân dân có nhiều ý kiến đòi hỏi phải đổi mới, chúng tôi thấy rằng chừng nào còn làm công tác Mặt trận thì còn đổi mới theo nguyện vọng của nhân dân để đáp ứng được đòi hỏi chính đáng đấy".  

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đổi mới phải bắt nguồn từ suy nghĩ, cách làm, chỉ có một phần đổi mới con người. Không phải đổi mới con người là căn bản của đổi mới, vì vẫn là những con người đó nhưng sẽ đổi mới trên hai cơ sở. Thứ nhất là trên cơ sở định hướng mới liên quan đến việc phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã xác định. Thứ hai, Mặt trận sẽ xây dựng chương  trình công tác đổi mới của riêng mình từ trên xuống và người thực thi đổi mới phải là cơ sở.  

"Cơ sở là địa bàn quan trọng nhất của công tác Mặt trận nên chúng tôi đặt chương trình thứ 2 với tiêu đề "phát huy tính sáng tạo và tự quản của nhân dân”. Vì vai trò của Mặt trận là động viên nhân dân phát huy sáng kiến, những sáng kiến của nhân dân được phát huy và cán bộ cùng làm, cùng trưởng thành. Như vậy, đổi mới ở cơ sở có được từ ba phía: trên hướng dẫn, người dân khuyến khích hoạt động, và tự cán bộ thực hiện. Khi cơ sở đổi mới họ sẽ có ba lần hài lòng: trước hết là cán bộ tự hài lòng, nhân dân thừa nhận và Mặt trận cấp trên công nhận. Thời gian tới, khó khăn còn rất nhiều nhưng nếu làm tốt công tác đổi mới chắc chắn sẽ có nhiều niềm vui”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói./.