Tiếp tục chương trình Hội nghị góp ý văn kiện Đại hội 8 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 5/8, đại diện 46 tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

hoi_nghi_mttq_tr_room.jpg
Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội 8 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về tiêu đề đại hội, tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các tầng lớp nhân dân, những bài học, mục tiêu, phương hướng và 5 chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới. Trong đó tập trung vào nội dung phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, đóng góp của các tổ chức thành viên vào hoạt động của Mặt trận.

Đóng góp vào dự thảo báo cáo, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, tình hình đất nước đã, đang và dự báo có nhiều biến động, do đó, chương trình hành động của Mặt trận nhiệm kỳ tới phải đồng hành sẻ chia những khó khăn đó.

"Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ 8 phải là đại hội của nhân dân, của những người là thành viên của họ, vì thế báo cáo phải toát lên điều đó. Vấn đề phản biện xã hội, quyền con người nên nói lúc nào, nói ở đâu và ai tiếp thu. Cùng với sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên là rất quan trọng nhưng chúng ta chưa làm tốt điều đó”, ông Dần nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhận định: 5 chương trình hoạt động dự thảo báo cáo nêu đã bao quát đầy đủ ý tưởng, định hướng chung cho hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong thời gian tới. Về nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, ông Nguyễn Song Phi cho rằng, Mặt trận phải có đủ điều kiện năng lực hướng dẫn nhân dân thực hiện việc này.

“Để mặt trận tới đây thực hiện tốt chức năng giám sát và thực sự đóng vai trò nòng cốt, thì con người - cán bộ mặt trận, phải có trình độ, có năng lực, có sức khỏe mới đủ điều kiện để giải thích cho dân, hướng dẫn cho dân... Muốn giám sát được phải có chương trình giám sát, nội dung giám sát và con người đủ khả năng giám sát”, ông Phi nói.

Các đại biểu cũng cho rằng, Mặt trận cần tổng kết đánh giá những tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ qua để kịp thời khắc phục trong nhiệm kỳ tới, nhất là vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Vai trò này cần được cụ thể hóa qua hoạt động của Mặt trận và đoàn thể trong thời gian tới. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Lê Thúc Anh đề xuất, dự thảo báo cáo cần quan tâm đến việc khẳng định quyền con người, quyền tự do của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

“Quan trọng là phải đảm bảo được quyền con người và chống được oan sai. Để làm được điều này liên quan đến việc cải cách tư pháp và vai trò của các luật sư. Trong phương hướng sắp tới phải làm sao thể hiện thêm quyền con người và liên quan đến cải cách tư pháp", ông Lê Thúc Anh nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, từ nay đến trước khi đại hội sẽ có những Hội thảo, diễn đàn để 46 tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc phát huy sáng kiến đồng hành cùng Mặt trận trong việc thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.

Trân trọng ghi nhận những ý kiến của đại biểu các tổ chức thành viên, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sẽ tiếp tục điều chỉnh văn kiện Đại hội theo hướng cô đọng hơn, trong đó cố gắng làm rõ những đóng góp của Mặt trận với Đảng, Nhà nước, nhân dân và các tổ chức thành viên; làm rõ cơ chế để Mặt trận đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân và làm rõ cơ chế giám sát.

Sau khi tiếp thu, tổng hợp những ý kiến tại hội nghị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tập trung thảo luận để điều chỉnh báo cáo cho phù hợp với điều kiện hiện nay để trình Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận tổ quốc Việt Nam lần thứ 8 vào tháng 9 năm nay./.