Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khách 2/9, trong chương trình Thời sự 12h trưa nay (19/8) của Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1 (Đài TNVN), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tham gia trực tiếp với chủ đề "Cách mạng Tháng Tám và bài học đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời điểm hiện nay".
Sau đây là nội dung chương trình:
PV:Thưa ông, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa như thế nào trong thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945?
Ông Nguyễn Thiện Nhân:Để làm rõ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta phải đề cập đến diễn biến rất đặc biệt của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội cũng như ở cả nước ta. Tuy nhiên, phải nói rằng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với truyền thống hàng nghìn năm, trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám được phát huy vì có hai điều kiện khác.
Điều kiện thứ nhất là sức mạnh đại đoàn kết đó đã được Đảng lãnh đạo và định hướng, từ đó tình cảm của người dân được tập hợp lại và trở thành sức mạnh hiện hữu. Bài học ở đây là sức mạnh đại đoàn kết thông qua lãnh đạo của Đảng mới đem lại yếu tố tăng cường mới.
Chủ tịch UBTƯMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân tham gia tọa đàm trực tiếp trong chương trình Thời sự của VOV1 (Ảnh: Ngọc Thành) |
Thứ hai, sức mạnh đại đoàn kết này đã trải qua một quá trình tập rượt từ năm 1941 khi có Mặt trận Việt Minh, và đến năm 1945 được thể hiện ở chỗ hình thành những cuộc xuống đường của hàng vạn người tại Hà Nội và các địa phương khác.
Sức mạnh đó đã đe dọa, gây áp lực với những người trong bộ máy chính quyền của chế độ cũ, tạo được lực lượng cách mạng mạnh hơn lực lượng phản cách mạng, tạo nên thành công của Cách mạng Tháng Tám.
PV:Theo ông, những yếu tố nào đã khiến cho Mặt trận Việt Minh có thể tập hợp và quy tụ được các tầng lớp nhân dân nghe theo lời hiệu triệu của mình một cách hiệu quả như vậy?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Từ năm 1941, khi tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8 chúng ta đã nhận định: cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 sẽ kết thúc và Đồng minh sẽ thắng lợi, đây là thời cơ để chúng ta giải phóng dân tộc.
Cuộc chiến tranh của chúng ta lúc đó theo đuổi hai mục tiêu: vừa giải phóng dân tộc, vừa đem lại ruộng đất cho người dân, khắc phục bóc lột trong nước. Đến giai đoạn năm 1941, Trung ương Đảng đã chuyển hướng, chỉ còn đạt được mục tiêu đó là chống đế quốc giải phóng dân tộc. Mọi lực lượng công nhân, nông dân, trí thức, những người địa chủ yêu nước đều có thể tham gia vào lực lượng này vì cùng mục tiêu giành lại độc lập dân tộc. Còn mục tiêu người cày có ruộng phải chậm lại. Đó là quyết định rất quan trọng, từ đó tạo nên sự gắn bó dân tộc.
Gắn với đó, chúng ta cũng đã hình thành lực lượng Việt Minh ở các địa phương để làm công tác tuyên truyền. Như ở Hà Nội có Việt Minh ở Thành Hoàng Diệu có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh. Lực lượng này ngoài việc tuyên truyền còn diệt trừ ác ôn. Chính những hoạt động này đã gây sự hoảng sợ cho kẻ địch.
Tội ác của Phát xít Nhật gây ra nạn đói làm chết 2 triệu người Việt Nam đã khiến người dân căm thù, phẫn uất và do đó, chỉ có một con đường là phải đánh đuổi Phát xít Nhật để giành lại độc lập, giành lại mạng sống cho mình. Sức mạnh đoàn kết đó có lý do lịch sử, tạo điều kiện gắn bó để giành lại độc lập dân tộc.
PV:Thưa ông, phải chăng chính Tuyên ngôn của Việt Minh cùng với các khẩu hiệu rất thiết thực như "Phá kho thóc giải quyết nạn đói” đãđáp ứng nguyện vọng khẩn thiết, cấp bách trước sự sinh tồn của đại đa số nhân dânlúc bấy giờ, khiến quần chúng nhân dân tin tưởng và đồng lòng với một tổ chức Đảng non trẻ và vị lãnh tụ mà họ chưa từng tiếp xúc?
Ông Nguyễn Thiện Nhân:Từ khi có Đảng đã có nhiều cuộc tập rượt như cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, phong trào Dân chủ Đông Dương… Thông qua những hoạt động này, người dân có sự tin tưởng vào Đảng, tin tưởng vào Bác, mặc dù có thể chưa gặp mặt nhưng những chủ trương đó đã đem lại niềm tin cho nhân dân rằng: công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc có người lãnh đạo, đằng sau là Đảng nhưng trước mắt họ chính là Việt Minh.
Cũng trong Hội nghị Trung ương Đảng đó đã công bố 10 chính sách Việt Minh làm nền tảng để ngày hôm sau (16/8/1945), Đại hội Quốc dân đồng bào được tổ chức tại Tân Trào. 10 chính sách Việt Minh đó là: giành chính quyền, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập; vũ trang nhân dân phát triển quân giải phóng Việt Nam; Tịch thu tài sản của giặc nước và Việt gian, tùy trường hợp mà sung công hoặc chia cho người nghèo; Bỏ các thứ thuế do Pháp – Nhật đặt ra, đặt thuế công bằng và nhẹ hơn; Ban bố quyền cho người dân: nhân quyền; tài quyền (quyền sở hữu); dân quyền; quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), quyền bình đẳng giữa các dân tộc và quyền bình đẳng nam nữ; Chia lại ruộng đất cho công bằng, giảm địa tô; Ban bố Luật lao động: ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm; Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp, mở Ngân hàng quốc gia; Xây dựng nền giáo dục dân tộc chống nạn mù chữ, thực hiện giáo dục sơ cấp, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp, kiến thiết nền văn hoá mới; Thân thiện và giao hảo với các nước đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ.
Những chủ trương lớn đó đã truyền tải trong lực lượng Việt Minh ở các khu vực, nên khi thời cơ ở Hà Nội đã đến, mặc dù các đồng chí lãnh đạo ở Hà Nội không dự hội nghị Tân Trào nhưng đã hành động đúng với phương châm này.
PV:Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ cả bên trong và bên ngoài, theo ông, để quy tụ lòng dân, những yếu tố nào là quan trọng lúc này?
Ông Nguyễn Thiện Nhân:Khi chúng tôi gặp lại các cán bộ lão thành tham gia Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội lúc bấy giờ, các bác nói rằng: Lúc đó, nếu không được người dân ủng hộ thì sẽ chết, không ai nuôi mình cả! Sở dĩ người dân theo mình vì họ biết rằng mình sẽ làm những điều đúng theo nguyện vọng của nhân dân.
Bài học đó là muốn tập hợp, đoàn kết nhân dân thì phải hiểu nhân dân muốn gì, phải tổ chức hành động đáp ứng đúng nhu cầu của nhân dân. Nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại là nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng người dân và chuyển những tâm tư đó đến các cơ quan của Đảng, của Nhà nước cũng như của đoàn thể, tổ chức để triển khai thực hiện.
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Đăng Tiến tặng hoa và cảm ơn Chủ tịch UBTƯMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đã tham gia trực tiếp chương trình Thời sự của VOV (Ảnh: Ngọc Thành) |
Từ năm 1975 đến nay, chúng ta luôn luôn đặt ra yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, và gần đây nhất là tháng 12/2013, trong Hiến pháp mới cũng khẳng định lại quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, đồng thời có quyền thay mặt nhân dân để giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng để thấy rằng việc đúng đó là đúng, hiệu quả đến đâu đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Còn những việc chưa tốt, chưa tốt thì cũng phải phản ánh với nhân dân. Hoạt động của Mặt trận một mặt làm cho người dân hiểu được chủ trương của Đảng, mặt khác góp phần cho chủ truong đó trở thành hiện thực, chỗ nào chưa tốt thì phải sửa, chứ không phải chỉ vận động mà không có quá trình giám sát.
PV:Đất nước ta đã đi qua 30 năm đổi mới, nhưng dường như sức mạnh nội lực của toàn dân tộc vẫn chưa được phát huy triệt để nhằm xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh. Những trở lực nào đang khiến cho việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thời điểm hiện nay gặp khó khăn, thưa ông?
Ông Nguyễn Thiện Nhân:Ở Đà Nẵng, cách đây hơn 1 năm, chính quyền dự kiến xây dựng một cây cầu thứ 10 qua sông Hàn để giành riêng cho người đi bộ tốn hàng trăm tỷ. MTTQ làm chức năng phản biện dự án này. Mặt trận đã mời các nhà khoa học, nhà kiến trúc đến, họ nói rằng không cần làm cây cầu này chỉ riêng cho đi bộ, vì chính cây cầu khác vừa đi bộ vừa đi xe đã đủ rồi và Mặt trận kiến nghị bỏ dự án này.
Hội đồng nhân dân Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng họp và quyết định bỏ dự án đó. Điều đó nói rằng để góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết thì Mặt trận phải là người đại diện tiếng nói của nhân dân và khi nói rồi thì Đảng, chính quyền cũng phải lắng nghe.
Sức mạnh đại đoàn kết là một tài sản vô giá nhưng nó không phải cứ tồn tại mãi mãi mà chúng ta phải ứng xử, chăm sóc nó để phát huy tác dụng. Một trong những lo lắng hiện nay là những người trong bộ máy chính quyền không thực sự lắng nghe ý kiến của người dân.
Trong ngắn hạn, thì chính quyền là nơi nắm trong tay quyền lực nhưng chúng ta không thể quên rằng trong dài hạn, quyền lực nằm ở nhân dân. Nếu trong ngắn hạn bất chấp ý kiến nhân dân, một bộ phận ở đâu đó cứ làm theo ý của mình nhưng dài hạn cuối cùng thì ý kiến người dân vẫn là quyết định. Lúc đó chúng ta mới là những người chịu hậu quả. Đừng nhìn thấy những khả năng của chính quyền trong ngắn hạn mà cho rằng không cần lắng nghe người dân.
Thứ hai, để đất nước phát triển chúng ta vận động người dân với tình cảm yêu nước, đồng thời phải chấp hành pháp luật. Hiện nay cũng có tình trạng người dân không chấp hành pháp luật một cách công khai, chính quyền chưa vào cuộc giải quyết một cách thỏa đáng thì không hợp lý. Như ở Lai Châu, hàng chục tàu khai thác cát trái phép trên sông diễn ra nhiều tháng trời, hủy hoại môi trường như vậy mà chính quyền không xử lý cương quyết.
Nếu không cương quyết làm việc này dẫn đến việc đất sạt lở, làm sao người dân còn tin vào bộ máy chính quyền thực sự vì dân nữa. Đã đến lúc nói không với việc công khai vi phạm pháp luật, nói không với việc không xử lý chế tài trong sự phát triển của đất nước như hiện nay.
PV:Xin trân trọng cảm ơn ông đã tham gia chương trình./.