Cách mạng tháng Tám và khát vọng độc lập
66 năm đã trôi qua kể từ mùa Thu lịch sử tháng 8/1945. Với khát vọng độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất tề đứng dậy giành độc lập cho dân tộc, mở ra một chương mới cho lịch sử Việt Nam. Cách mạng tháng Tám cũng đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thuộc địa cũ và là tấm gương sáng cho các dân tộc thuộc địa khác ở khắp châu Á, Phi, Mỹ Latin vùng lên đánh đổ chế độ thực dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Công hoà trước hàng triệu quốc dân đồng bào |
Ngày 2/9/1945 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tại quảng trường Ba Đình lịch sử thời khắc ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Khát vọng độc lập của mùa Thu năm ấy cũng giúp toàn Đảng, toàn dân Việt Nam vượt mọi khó khăn, gian khổ trong các cuộc kháng chiến nhằm thống nhất và bảo vệ Tổ Quốc. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, mỗi người dân Việt Nam hơn ai hết đều ý thức sâu sắc về nghĩa của từ “độc lập, tự do” để từ đó cùng chung hành động, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nhiều hoạt động mừng lễ Vu Lan
Đã thành thông lệ, ngày Rằm tháng 7, hay còn gọi là lễ Vu Lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân, người dân nhiều địa phương trong cả nước, kiều bào ở nước ngoàilại tổ chức nhiều hoạt động bày tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Tăng ni, phật tử tới chùa làm lễ Vu Lan |
Lễ Vu Lan năm nay vào đúng ngày Chủ Nhật nên đã thu hút hàng vạn người đến các chùa làm lễ dâng hương. Đây cũng là dịp để các tăng ni, phật tử các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động từ thiện, hướng tới người nghèo, trẻ em mồ côi, bất hạnh.
Quyết liệt phòng, chống bệnh tay - chân - miệng
Trước tốc độ lây lan nhanh của bệnh tay - chân - miệng, gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ. Ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1439 yêu cầu các Bộ, ngành chủ động khống chế và ngăn chặn dịch bệnh tay – chân - miệng lây lan.
Công điện của Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, các ban ngành, đoàn thể xã hội của địa phương, với sự tham mưu của ngành y tế tập trung làm tốt công tác thông tin tuyên truyền vận động nhân dân chủ động tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng ngay tại hộ gia đình, tại cộng đồng, đặc biệt là tại các nhà trẻ mẫu giáo.
Không thể coi nhẹ dịch tay - chân - miệng |
Ngày 18/8, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng, trong đó yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 32.588 trường hợp mắc tay - chân - miệng tại 52 địa phương, trong đó đã có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam và đang có xu hướng lan rộng.
Giá vàng lại tăng kỷ lục
Tinh đến 10h sáng 20/8, cùng với sự biến động tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước lại lập kỷ lụckhi được bán ra ở mức 47,15 triệu đồng/lượng tại TP HCM và 47,17 triệu đồng/lượng tại thị trường Hà Nội.
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, giá vàng tăng nhanh và vượt xa 47 triệu đồng là do tác động của thị trường thế giới, chứ không có sự bất thường hay hoạt động đầu cơ. Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, chỉ cần một dấu hiệu bất thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng các biện pháp can thiệp vào thị trường ngay nhằm tránh tái diễn tình trạng náo loạn như đầu tuần trước.
Trước những diễn biến bất thường của giá vàng, các chuyên gia kinh tế thế giới vừa cảnh báo về 4 nguy cơ và cũng là bốn lời khuyên đối với các nhà đầu tư trong cơn sốt vàng hiện nay.
Một là các nhà đầu tư không nên bị lôi kéo vào cơn sốt mua vàng thế giới. Cơn sốt này được thúc đẩy chủ yếu do những xúc cảm. Vì vậy, các nhà đầu tư thận trọng cần giữ vững chiến lược đầu tư dài hạn và luôn đảm bảo rằng tài sản được phân phối đúng và đa dạng hóa theo các thể loại thích hợp.
Hai là giữ vàng ở mức tối thiểu. Vàng có thể nằm trong chiến lược dài hạn của nhà đầu tư nhưng không nên giữ tỷ lệ quá cao trong nguồn tài sản đầu tư. Tỷ lệ thích hợp trong danh mục tài sản của nhà đầu tư có thể từ 2-5%, thậm chí tỷ lệ 5% còn được coi là tỷ lệ "dũng cảm”.
Ba là nhà đầu tư cần có chiến lược thoát ra. Nếu vàng chiếm tỷ lệ trên 5% trong danh mục tài sản, nhà đầu tư cần có ngay chiến lược thoát ra để có thể chủ động thời điểm bán vàng với giá cạnh tranh tốt nhất.
Bốn là nhà đầu tư cần biết rõ khả năng dễ bị tổn thương của vàng. Nhiều nhà đầu tư đã bị tổn thương với vàng mặc dù họ không nhận thức được điều đó. Các chuyên gia khuyến cáo để đảm bảo không sở hữu quá nhiều vàng một cách ngẫu nhiên, nhà đầu tư cần tham khảo các cố vấn tài chính về tỷ lệ các thể loại trong danh mục tài sản trước khi quyết định mua thêm vàng.
Kiên quyết xử lý lao động nước ngoài không phép
Trước tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật đưa lao động phổ thông không phép vào Việt Nam, đặc biệt là lao động Trung Quốclàm việc tại các dự án ở nhiều địa phương như Cà Mau, Đăk Nông, Ninh Bình… đã được báo chí phản ánh thời gian qua. Bộ LĐ - TB & XH đã yêu cầu giải quyết triệt để vấn đề lao động không phép đang làm việc tại Việt Nam. Theo đó, những trường hợp không đáp ứng được quy định sẽ xử lý theo pháp luật, trong đó có hình thức trục xuất về về nước.
Lao động Trung Quốc sau giờ làm việc tại Cụm khí-điện-đạm Cà Mau (Ảnh: Dân trí) |
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ - TB & XH trong trả lời phỏng vấn báo chí mới đây cũng cho biết, Nghị định 46 vừa ban hành đã sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định 34 về Quản lý lao động nước ngoài, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về mặt thủ tục đối với nhóm lao động chất lượng cao; xử phạt nghiêm khắc đối với doanh nghiệp vi phạm quy định.
Theo thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH, tính đến tháng 5/2011, tổng số người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là hơn 74.000 người, tăng thêm hàng chục nghìn người so với năm trước. Trong số này, có rất nhiều lao động không phép, điển hình như tại công trình Khí điện đạm Cà Mau có hơn 1.000 lao động Trung Quốc đang làm việc không phép.
Châu Âu chìm trong nỗi lo về khủng hoảng nợ công
Mối lo ngại lại dấy lên khi mới đây nhất, cơn bão nợ công lại nhằm đến hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 khu vực là Italy và Tây Ban Nha. Thị trường tài chính Châu Âu và toàn cầu “phát sốt” khi lãi suất vay mượn của chính phủ hai nước Italy và Tây Ban Nha tăng cao tới mức kỷ lục kể từ 14 năm qua - thời điểm lưu hành đồng euro.
Phản ứng chung của các nước châu Âu đều đồng lòng với một mục đích là cùng trấn an thị trường để bảo vệ đồng euro và tiếp tục thúc đẩy kế hoạch hỗ trợ mới cho Hy Lạp vừa được đưa ra.
Trong một diễn biến mới đây, tại Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Pháp và Đức - 2 nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lãnh đạo 2 nước đã đưa ra ý tưởng táo bạo là thành lập một chính phủ kinh tế thực sự cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo lý giải của Tổng thống Pháp Sarkozy, một chính phủ kinh tế mới - có người đứng đầu - sẽ mang lại cho Khu vực đồng euro một cơ chế quản lý kinh tế hiệu quả, giám sát chặt chẽ những dấu hiệu bất ổn từ “trứng nước” và từ đó có các cơ chế xử lý khủng hoảng trong giai đoạn đầu tiên.
Khủng hoảng nợ công tại châu Âu ngày càng trầm trọng |
Theo giới phân tích, dù ý tưởng thành lập một chính phủ kinh tế chung cho khu vực là táo bạo, nhưng nó chưa đáp ứng được mong chờ của dư luận hiện nay. Thứ nhất, việc Pháp và Đức không xem xét đề xuất phát hành trái phiếu Khu vực đồng euro và không tăng cường Quỹ cứu trợ ngắn hạn - vốn đã rất hạn hẹp, sẽ không thể cứu vãn được tình hình hiện nay. Hiện, số tiền trong Quỹ cứu trợ của EU không đủ để bảo lãnh cho hai nước có quy mô kinh tế lớn như Italy hoặc Tây Ban Nha, hai quốc gia trong tầm ngắm vỡ nợ tiếp theo sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Một khi hai nền kinh tế này sụp đổ vì vỡ nợ, hậu quả của nó có thể tưởng tượng.
Thứ 2, các chuyên gia tài chính cho rằng, các kế hoạch cân bằng ngân sách, hoặc thậm chí sắc thuế tài chính mới mà Pháp - Đức đưa ra vẫn không đủ mạnh để ngăn chặn được nguy cơ khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay củng cố hệ thống ngân hàng đang sa sút của EU, mà ngược lại chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết được những vấn đề cấp bách trong khu vực.
Pakistanlại chìm vào vòng xoáy bạo lực
Hơn 100 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ xả sung và đánh bom liều chết tại Pakistan tuần qua đã làm dư luận quốc tế lo ngại về những bất ổn chính trị tại quốc gia Nam Á vốn là đồng minh thân cận của Mỹ này.
Ngày 19/8, ít nhất 50 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương trong vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo tại Ghondi thuộc Tây Bắc Pakistan, giáp giới Afghanistan.
Các giới chức Pakistan cho hay một kẻ nổ bom tự sát mang trên mình khoảng 10kg thuốc nổ đã cho nổ tung mình giữa nhóm hàng trăm người cầu nguyện trong nhà thờ.
Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu làm ít nhất 50 người thiệt mạng (Ảnh: Reuters) |
Cũng trong ngày 19/8, ít nhất 6 cảnh sát thiệt mạng và khoảng 50 cảnh sát khác bị thương trong vụ tấn công của các tay súng không rõ danh tính tại thành phố cảng Karachi, miền nam Pakistan. Vụ tấn công xảy ra tại khu vực Chakragoth khi các tay súng lạ mặt tấn công vào chiếc xe buýt chở hơn 50 cảnh sát mặc thường phục đi làm nhiệm vụ.
Trước đó, chỉ trong hai ngày 16, 17/8, làn sóng bạo lực tại thành phố Karachi, tỉnh Sindh, Pakistan đã làm 39 người thiệt mạng.
Tình hình bạo lực thời gian qua cho thấy phần nào bức tranh bất ổn của xã hội Pakistan trong bối cảnh quân đội Mỹ đang hối thúc quốc gia đồng minh hạt nhân Nam Á này của Mỹ tăng cường các cuộc truy kích nhằm vào các phần tử Taliban đang gia tăng các cuộc tấn công từ Pakistan vào khu vực biên giới Afghanistan./.