Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trước cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ngày 13/5/2018, rằng, công tác phòng chống tham nhũng không thể bỏ dở giữa chừng, sắp tới còn nhiều việc phải làm và làm quyết liệt hơn nữa. Đồng thời cũng phải chống tham nhũng trong công tác cán bộ. Phải làm đồng bộ rất nhiều việc chứ không phải chỉ có đưa ra xử án, bắt bớ. (Ảnh: Kinh tế đô thị) |
Tại cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng vào sáng 10/4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bác bỏ một số ý kiến lo ngại việc chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, không ai muốn làm. Ông nhấn mạnh, tư tưởng đó là sai và nói rõ, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. |
Tại phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sáng 22/1/2018, người đứng đầu Đảng ta đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc ("tham nhũng vặt"), kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các chính quyền địa phương, ngày 28/12/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn". Tổng Bí thư cũng lưu ý, không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Ba Đình và Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 29/11/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống tham nhũng "không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. Giao cho anh quyền thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn tham nhũng.. |
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, sáng 12/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đấu tranh chống tham nhũng là để tình hình tốt lên chứ không phải xấu đi; làm sao để cán bộ giác ngộ, mọi người không đi theo vết xe đổ. "Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn". (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng 11/10/2017, Tổng Bí thư đề nghị mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). |
Tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sáng 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. (Ảnh: noichinh.gov.vn) |