Đúng dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Nhà xuất bản Dân trí phát hành cuốn sách “Sư đoàn 356 và Ký ức Vị Xuyên” do ông Nguyễn Đức Lưỡng làm chủ biên. Đáng chú ý, chủ biên cuốn sách là người đã từng có mặt từ những ngày đầu tham gia bảo vệ điểm nóng Vị Xuyên, Hà Giang.

luong_5_rzog.jpg
Ông Nguyễn Đức Lưỡng, chủ biên cuốn sách  “Sư đoàn 356 và Ký ức Vị Xuyên” 

Đã từng gác lại những hoài bão, tham vọng của lứa thanh niên tuổi 18, 20 những năm 1978, 1979, nên chàng trai Nguyễn Đức Lưỡng, quê Phú Thọ hiểu và cùng cảm xúc với nhiều đồng đội của mình, hiểu được sự thiêng liêng và kiêu hãnh khi đón nhận và gánh vác trọng trách lớn lao mà đất nước giao phó. Với tâm thế một đi có thể không trở về, những người lính lên đường bằng một ý chí mạnh mẽ, hào hùng dù sau lưng các anh, người nhà không giấu nổi những giọt nước mắt. “Thời điểm đó, chúng tôi chỉ quan tâm tới một việc duy nhất đó là có thể làm gì khi đất nước cần đến mình chứ không nghĩ đi là mất, đi là thiệt. Thế nên, giờ lên đường, chúng tôi vẫn vô tư ôm đàn ghita hát, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui, khí thế”. 

Và khi được may mắn trở về cùng với nhiều đồng đội, điều đầu tiên Nguyễn Đức Lưỡng nghĩ tới là phải làm gì đó để lưu lại những ký ức của những ngày gian khó, ác liệt trên chiến trường. Chia sẻ về ý tưởng ra đời cuốn sách, ông Nguyễn Đức Lưỡng, từng làm Đại đội trưởng Đại đội 39-Hóa học, Sư đoàn 356, đơn vị đã kiên cường bảo vệ vững chắc biên cương Vị Xuyên, Hà Giang, chặn đứng ý đồ xâm lược của địch, cho biết, nếu như không làm một việc gì đó để lưu lại những ký ức về những ngày tháng ở Vị Xuyên, ông thấy mình không chỉ có lỗi với những đồng đội đã ngã xuống mà cả với những đồng đội còn sống sót trở về.

Với tinh thần ấy, ông tự vạch cho mình kế hoạch và đi tìm nhân chứng, những người trực tiếp cầm súng trên chiến trận. Càng đi, ông càng bị cuốn vào miền ký ức, hồi tưởng và sự tự hào về một thời để nhớ của bản thân ông cũng như đồng đội. Trong những câu chuyện đó, ông Lưỡng cảm nhận được nhiều tâm trạng vui, buồn, những ước nguyện, khát vọng nhưng tuyệt nhiên không thấy một lời kêu ca, đòi hỏi dù tất cả họ đều đã trải qua gian khổ, mất mát.

Ám ảnh những “cuộn băng trắng” xông lên diệt địch

Trong dòng ký ức về những ngày tháng ác liệt trên chiến trường Vị Xuyên, ông Lưỡng còn nhớ như in chiến dịch mang mật danh MB84 mà Sư đoàn 356 là đơn vị chủ công. Trong trận tấn công này, lực lượng của ta phải đối mặt với dàn hỏa lực cực mạnh của đối phương trên núi cao, còn ta ở thế bị động, tấn công từ dưới lên. Hạn chế này đã khiến cả 4 mũi tấn công của ta trong trận này đều không thành công, con số thương vong khá lớn. 

Ông Nguyễn Đức Lưỡng cũng là người đưa ra ý tưởng về Bức tranh đá "Người và đất Hà Tuyên 1979-1989" đặt tại khu tưởng niệm 468 Vị Xuyên.

Kể đến đây, khóe mắt ông Lưỡng bỗng rưng rưng, ông bảo, khoảnh khắc mà ông cùng các đồng đội không thể quên trong trận đấu này đó là sau bức điện cuối cùng về Sư đoàn với nội dung “tôi đã vào cửa mở, đề nghị pháo bắn vào đỉnh D2” là hàng loạt tiếng nổ váng trời, các mạng thông tin đều mất hết liên lạc, sau nhiều giờ đồng hồ, mũi nhọn đó gần như thương vong hết.

Ngay sau chiến dịch MB84, Sư đoàn 356 tiếp tục mở chiến dịch thứ 2, gọi là chiến dịch “vây lấn”. Trong trận này, sư đoàn ở thế chủ động hơn, xây dựng kế hoạch đầy đủ và có cách đánh mới, theo phương pháp đào hào, tiến đến đâu, đào hào đến đấy, đào đến đâu xây dựng hầm đến đấy. Cách đánh này đã từng được áp dụng ở Điện Biên Phủ. Ban đầu, lãnh đạo Sư đoàn đưa ra phương án dùng 1 tấn bộc phá để nổ tung bình độ 1.200 làm hiệu lệnh cho tất cả các mũi tiến công. Nhưng sau khi nghiên cứu thấy phương án này không khả thi bởi đó không phải là điểm cao mang tính quyết định tới toàn mặt trận như Đồi A1, nên đã chuyển sang biện pháp tấn công bằng hỏa lực nhiều ngày, song song với đó bộ binh đào hào để lấn và giữ. Phương pháp đó đã giúp chúng ta nhanh chóng chiếm được điểm cao cốt yếu 685, tiếp sau đó là bình độ 300, 400, giành lại thế chủ động cho lực lượng của ta. 

Bị dồn vào thế bị động, đối phương liên tục mở các đợt tấn công bằng hỏa tiễn với lực lượng cấp tiểu đoàn, trong khi ta chỉ có hơn chục người. Chiến dịch “vây lấn” kéo dài trong 139 ngày, mỗi ngày có tới hàng chục đợt tấn công, tổng cộng địch có hàng trăm trận phản kích. Trong khi lực lượng của ta thường ở cấp trung đội trở xuống nhưng đã đánh với lực lượng cấp tiểu đoàn của địch. Họ tấn công theo phương pháp “sóng biển”, đợt sóng này nối tiếp đợt sóng khác. Nhưng vì ta đã chiếm được thế chủ động nên hàng trăm đợt tấn công của địch đều bị ta chặn đứng, tiêu diệt. 

Hơn 1 tiếng đồng hồ trò chuyện, ông Lưỡng nói có quá nhiều dấu ấn mà ông không bao giờ có thể quên trong những ngày tháng bảo vệ Vị Xuyên, và hình ảnh ám ảnh ông nhiều nhất là những chiến sĩ quấn băng trắng ở đầu, ở bụng, ở chân, ở tay, trông như những “cuộn băng trắng” di động cứ lừ lừ tiến lên tiêu diệt địch. Trong chiến dịch “Lấn giữ” , ông Lưỡng cùng một đồng đội tên Hạnh, người Lào Cai, giờ vẫn còn sống, được giao chỉ huy 16 tay súng hỏa lực mạnh. Trong 1 trận đánh của “đội công tác đặc biệt”, tên gọi khác của đội quân cảm tử, có nhiệm vụ luồn sâu vào đội hình của địch để từ trong đánh ra, phối hợp với lực lượng từ ngoài đánh vào, phá thế phòng ngự liên hoàn, vững chắc của địch, trong đội hình có chiến sỹ Hà Văn Nghền, là 1 trong 16 khẩu hỏa lực mạnh. Trước khi vào trận, ông Lưỡng bỗng có linh cảm tay súng Hà Văn Nghền, người dân tộc Mường quê Phú Thọ, sẽ không trở về. Ông tìm mua bằng được 2 gói kẹo vừng và dồi đưa cho Nghền trước giờ xuất phát ở hang Làng Lò, bảo cầm lấy để ăn. Nhưng lần này may mắn linh cảm của ông đã sai, 18 người đi xác định sẽ chết cả, nhưng kết thúc trận đánh, chỉ có 1 người hy sinh và 1 bị thương. Còn chiến đấu thêm được nhiều trận nữa Hà Văn Nghền mới hy sinh. 

Ông Lưỡng tại khu vực sở chỉ huy tiền phương ở Vị Xuyên

Khoảng cách giữa cái sống và cái chết bằng 2 giờ đồng hồ đi bộ

Có thời điểm, Sư đoàn 356 được tăng cường một Đại đội đặc công, ông Lưỡng chịu trách nhiệm nhận và tổ chức hành quân cho đại đội này. Khi đó, được tăng cường thêm đại đội đặc công là quý lắm bởi đặc công là lực lượng rất hiệu quả trên chiến trường. Do vậy, trên đường hành quân, trong đầu ông Lưỡng chỉ có duy nhất một suy nghĩ nếu bị địch hủy diệt thì sẽ phải làm gì. Nhưng một lần nữa may mắn đến với ông và đồng đội đã vào tới vị trí tập kết an toàn dù có nhiều loạt đạn pháo xả xuống nhưng không rơi vào vị trí của đoàn. 

“Anh em ai cũng mừng rỡ, biết tôi thích văn nghệ, anh em đưa tôi một cây đàn ghita dây điện, chúng tôi say sưa đàn hát hết bài này đến bài khác mặc cho xung quanh đạn pháo của địch vẫn xả ầm ầm. Thời điểm đó phải nói rằng, khi ra khỏi cửa hầm, người ta chỉ có thể nghĩ đến chuyện chết hay sống, nhưng những người lính vẫn hò nhau lên khỏi hầm để nghe hát, cảm giác như lâu lắm rồi họ mới được nghe”. 

“Điểm đặc biệt nữa là cách trận địa mà chúng tôi đứng hát, đi bộ về phía thị xã Hà Giang khoảng 2 tiếng đồng hồ, là một thế giới hoàn toàn khác với cuộc sống, sinh hoạt rất yên bình, có họp chợ, có hàng cà phê, hàng phở… Giữa cái sống và cái chết cách nhau chỉ 1 giờ đi bộ, nhưng những người lính không nghĩ đến việc họ quay về đó để hưởng thụ, mà giữa giao thông hào, họ cùng nhau say sưa nằm nghe những giai điệu của Gửi lại em, Điệp khúc tình yêu, Vết chân tròn trên cát, Mùa xuân từ những giếng dầu, Tình ca mùa xuân… qua giọng hát đầy lửa của những người lính. Chiến trận là như vậy, trong mưa bom bão đạn, những người lính chỉ cần những điều rất bình dị”, ông Lưỡng chia sẻ. 

Để có được cuốn sách, ông Lưỡng đã mất hơn 5 năm đi tìm các nhân chứng.

Đánh giá về những đóng góp của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 356, tháng 7/2014, trong buổi gặp mặt 80 cựu chiến binh đại diện cho hơn 8.000 cựu quân nhân Sư đoàn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: “Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 356 đã có những hy sinh lớn lao. Lúc bấy giờ, cả nước dồn sức bảo vệ biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh chính nghĩa thuộc về chúng ta. Do điều kiện lịch sử, do một số địa hình nên cuộc chiến đấu của Sư đoàn 356 diễn ra rất khốc liệt. Những người lính Sư đoàn 356 đã chiến đấu hết sức ngoan cường. Tôi nghĩ rằng trong cuộc chiến đấu đó, lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc đã tiếp sức các đồng chí”.

Ghi nhận công lao cống hiến của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356, Đảng, Nhà nước, quân đội đã trao tặng nhiều danh hiệu thi đua và phong tặng hơn 2.000 Huân chương chiến công cho các tập thể và cá nhân. Đặc biệt, trang sử vàng truyền thống của dân tộc đã ghi nhận 3 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 1 tập thể và 2 cá nhân./.