Sau 2 năm thực hiện Luật bảo hiểm xã hội số người, số đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội đều tăng. Nếu năm 2006 cả nước có hơn 6,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì năm 2008 đã là trên 8,5 triệu người.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc nắm bắt, quản lý đối tượng chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế phối hợp giữa tổ chức bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện tổ chức triển khai chưa đều khắp tại các tỉnh, thành phố. Tình trạng người lao động ở tỉnh ngoài về thành phố làm việc nhiều, lại thường xuyên thay đổi nơi làm việc nên chỉ quan tâm đến thu nhập trước mắt mà ít chú ý đến các chính sách an sinh xã hội còn rất phổ biến. Điều đó khiến chủ sử dụng lao động, không thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội hoặc đóng theo mức thấp nhất hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động xảy ra khá phổ biến.

Theo ước tính, số người lao động thực tế được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới chỉ đạt khoảng 70%. Ông Lương Phan Cừ, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội cho rằng: “Do nhiều người lao động không nắm rõ các quy định của pháp luật nên chủ sử dụng lao động lợi dụng vấn đề này để trốn đóng bảo hiểm xã hội”.

Một trong những điểm đáng chú ý là thực trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay quá lớn, gây thiệt hại cho Quỹ bảo hiểm xã hội cũng như thiệt thòi cho người lao động. Tính đến hết năm 2008, số nợ đọng bảo hiểm xã hội trên toàn quốc là 2.000 tỷ đồng, tăng gần 270 tỷ đồng so với năm 2007.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng, song nguyên nhân chính là chế tài xử phạt đối với các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội chưa đủ mạnh; chưa có biện pháp thu hồi hiệu quả. Trong khi đó, lực lượng thanh tra lao động còn mỏng, bình quân mỗi tỉnh chỉ có 4- 5 cán bộ thanh tra lao động. Do vậy, vậy việc kiểm tra, thanh tra nhằm đôn đốc, giải quyết những vướng mắc về thực hiện các chế độ đối với người lao động gặp nhiều khó khăn.

Trong hai năm qua cả nước mới chỉ thanh, kiểm tra được 6.900 doanh nghiệp. Như thành phố Hà Nội có 72.000 doanh nghiệp và 39 đơn vị trực thuộc Sở Lao động- Thương binh- Xã hội, nhưng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội từ năm 1999 đến nay, toàn thành phố mới phát hiện và xử phạt được 17 doanh nghiệp với số tiền phạt gần 200 triệu đồng.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoạn lao động Việt Nam cho rằng: “Lực lượng thanh tra mỏng không kiểm tra, theo dõi được các doanh nghiệp. Cả nước có hơn 300.000 doanh nghiệp, chúng ta mới kiểm tra gần 7.000 doanh nghiệp thì phải… 50 năm nữa mới kiểm tra hết được số doanh nghiệp!”

Khó khăn khách quan đối với việc thực hiện Luật bảo hiểm xã hội là việc ban hành một số văn bản để thực hiện Luật chưa đảm bảo thời gian, một số quy định chưa rõ, thiếu hướng dẫn cụ thể. Đáng lưu ý là chế tài xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội có nhiều nhưng trong đó có một nội dung xử lý vi phạm mà Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định lại không thực thi được. Đó là, tại khoản 2, Điều 138- Xử lý vi phạm, Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nhưng trong Bộ Luật Hình sự lại không quy định các tội danh về bảo hiểm xã hội, nên cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp muốn khởi tố cũng không thực hiện được.

Ông Huỳnh Thành Lập, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Các văn bản pháp luật về bảo hiểm xã hội còn bất cập. Chúng ta thiếu một số quy định pháp luật để xử lý”. Để thực hiện tốt Luật Bảo hiểm xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy hơn nữa vài trò của các tổ chức đại diện quyền lợi cho người lao động; tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội./.