Đó là chia sẻ của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Theo ông Vũ Khoan, nhìn lại 9 năm nhiệm kỳ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người vừa có tâm, vừa có tầm và luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên tất cả.
Với riêng lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được coi là chuyến thăm lịch sử, góp phần tháo gỡ những nút thắt trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, góp phần đưa 2 quốc gia từ thù thành bạn và chính thức xây dựng một vị thế mới của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.
PV: Thưa ông Vũ Khoan, ông đã làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhiều năm. Chia sẻ với báo chí, ông thường nói rằng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người “đốc công”, “người thiết kế”. Vì sao ông lại có cách gọi như vậy?
Nguyên PTT Vũ Khoan:Tôi gọi ông như vậy là bởi ông để lại rất nhiều dấu ấn. Tôi thấy nổi bật lên 2 điều, điều thứ nhất ông là người có công rất lớn trong việc thực hiện, triển khai đường lối Đổi mới của Đảng ta đề xuất năm 1986. Dấu ấn thứ 2, ông đã trực tiếp đóng góp rất nhiều trong quá trình hội nhập kinh tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan |
Công cuộc đổi mới ở nước ta khởi đầu từ sự đòi hỏi của quần chúng. Đêm hôm trước của Đổi mới, Thủ tướng Phan Văn Khải làm việc ở thành phố HCM, từ Phó Chủ tịch thành phố sau đó là Chủ tịch thành phố phụ trách kinh tế. Ông đã nắm bắt xu thế và là một trong những người xây dựng chủ trương để cải cách tại thành phố HCM.
Sau đó, ông chuyển sang Ủy ban Kế hoạch nhà nước, rồi giữ chức Phó Thủ tướng và sau cùng là Thủ tướng. Suốt quá trình đó, Thủ tướng Phan Văn Khải tham gia vào việc hình thành, thiết kế đường lối Đổi mới, biến nó thành những luật lệ, những chính sách, những cơ chế và tổ chức thực hiện điều đó.
Về hội nhập quốc tế, ông cũng là người đầu tiên tham gia vào quá trình mở cửa. Tôi nhớ lần đầu tiên đi với Thủ tướng Phan Văn Khải vào năm 1991-1992, lúc đó có hội nghị tài trợ quốc tế tại Paris, Thủ tướng Phan Văn Khải là trưởng đoàn, còn tôi lúc ấy là Thứ trưởng Ngoại giao.
Chính đấy là bước đột phá mở đầu ra thế giới bên ngoài, mở ra một kênh rất quan trọng là thu hút vốn ODA quốc tế. Sau đó, tôi đi công tác với Thủ tướng Phan Văn Khải đến Nhật, đến rất nhiều nơi.
Năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là Thủ tướng đầu tiên chủ trì trực tiếp Hội nghị cấp cao ASEAN ở Hà Nội, mở đường cho Campuchia vào ASEAN. Ông cũng là người trực tiếp chỉ đạo đàm phán với Hoa Kỳ nên khi tôi sang Bộ Thương mại, điều đầu tiên Thủ tướng Phan Văn Khải nói với tôi là làm sao để ký được?.
Sau đó, chuyến thăm lịch sử đến Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã mở ra một giai đoạn mới cho hội nhập quốc tế và tạo tiền đề chuẩn bị cho APEC 2006 ở Việt Nam. Và ở hội nghị APEC 2006 đó, Mỹ đã kết thúc đàm phán WTO với ta và dành cho ta quy chế Tối huệ quốc.
PV: Tôi còn nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người đưa ra rất nhiều các cải cách về kinh tế như loại bỏ giấy phép con, khuyến khích doanh nghiệp trẻ phát triển… Ông có thể chia sẻ những câu chuyện cụ thể với độc giả?
Nguyên PTT Vũ Khoan: Đúng vậy. Đó là những việc lớn mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thực hiện ở cương vị Phó Thủ tướng Thường trực và trên cương vị Thủ tướng.
Những năm 90, công cuộc Đổi mới đã được tiến hành, đem lại một số kết quả rất đáng ghi nhận. Nhưng đã bắt đầu bộc lộ nút thắt, nếu không cởi bỏ được nó thì không thể tiến lên được. Đây là chủ trương chung, nhưng người nắm bắt đề xuất triển khai là Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ông cũng nói với cá nhân tôi, nếu không đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, không tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, không thúc đẩy doanh nghiệp thì rất là khó.
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng giao cho tôi hỗ trợ doanh nghiệp trẻ, hình thành Hội Doanh nghiệp trẻ để thúc đẩy doanh nghiệp trẻ. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã chỉ đạo anh em khác soạn thảo Luật Doanh nghiệp vì trong đường lối Đổi mới, chúng ta đề ra nền kinh tế nhiều thành phần.
Doanh nghiệp tư nhân đã có cơ sở pháp lý nào đâu? Chính nhờ công lớn của Thủ tướng Phan Văn Khải xây dựng Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, nên Đại hội Đảng 12 nâng lên thành một động lực rất quan trọng.
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người đóng góp rất nhiều ý kiến vào Luật Đầu tư Nước ngoài năm 2002, mở thêm một kênh cho thành phần kinh tế thứ 2 là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Như vậy, Thủ tướng Phan Văn Khải làm 3 việc: Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, mở kênh cho doanh nghiệp tư nhân, mở rộng hơn nữa cho doanh nghiệp nước ngoài kèm theo đó là đổi mới thể chế, cải cách hành chính.
Phải nói rằng, Thủ tướng Phan Văn Khải có nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách hành chính. Tất nhiên, có những việc, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải làm chưa phải là thông đồng bén giọt, nhưng dù sao đó cũng là đòn bẩy phát triển kinh tế để chúng ta trụ vững được trong cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực.
PV: Ông có nói các chính sách kinh tế của cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã giúp con thuyền kinh tế Việt Nam không bị “lật” trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998….
Nguyên PTT Vũ Khoan: Đúng thế. Tôi đã đi công tác cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải rất nhiều chuyến, gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong. Trong các cuộc gặp, Thủ tướng Phan Văn Khải đều trao đổi, hỏi xem cách thức các nước xử lý khủng hoảng như thế nào, để tiếp thu những kinh nghiệm của thế giới, áp dụng với thực tế trong nước và đề ra những biện pháp hiệu quả.
Trong đó, biện pháp nổi bật nhất của ông ấy là ổn định kinh tế vĩ mô mặc dù cái mất cân đối lúc ấy lớn nhất là xuất nhập khẩu. Bù vào đó, Thủ tướng Phan Văn Khải mới đề ra chủ trương “kích cầu trong nước”, nhờ đó mà nền kinh tế nước ta không bị chao đảo với mức GDP lúc ấy trên dưới 7%. Thậm chí, dự trữ ngoại tệ còn tăng lên. Cơ bản là nước ta đã trải qua cuộc khủng hoảng đó. Và đấy là sự đóng góp của Thủ tướng Phan Văn Khải.
PV: Ông có nói đến một trong hai dấu ấn rất đậm nét mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại, đó là đưa Việt Nam hội nhập quốc tế. Tôi còn nhớ trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên năm 2005 (ông cũng là vị Thủ tướng Việt nam đầu tiên thăm chính thức Mỹ) cũng là một bước đi khác tạo ra dấu ấn mới của Việt Nam trong hội nhập quốc tế và xây dựng quan hệ Việt-Mỹ sau này….
Nguyên PTT Vũ Khoan:Đúng vậy. Dấu ấn trong quan hệ Việt- Mỹ phải kể đến hai việc. Viêc thứ nhất là tiến hành đàm phán để hai bên đi đến ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA), đúng là vào thời điểm ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan |
Lúc chúng ta đàm phán, Mỹ là cường quốc kinh tế số 1 thế giới, lại theo những chuẩn mực của WTO. Khi phía Mỹ giao cho chúng ta cái dự thảo của phía Mỹ, nhiều cái mình chưa biết và anh em đã tiến hành đàm phán dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Năm 1999, về cơ bản đàm phán đã xong và Việt-Mỹ dự kiến ký Hiệp định đó với sự chứng kiến của Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng đến giờ chót lại có trục trặc.
Đến năm sau đó, tôi được chuyển sang Bộ Thương mại, việc đầu tiên Thủ tướng Phan Văn Khải giao cho tôi là “thôi làm sao, anh hoàn tất các thủ tục đàm phán còn lại đi” để mà ký kết được. Và dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Thủ tướng, chúng tôi đã hoàn tất được đàm phán và ký vào tháng 7/2000. Hiệp định đó là một cú hích rất lớn để mở ra thị trường cho Việt Nam.
Việc thứ hai chính là chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005. Chuyến đi ấy là chuyến đi tạo động lực để tiến tới kết thúc đàm phán với Mỹ và từ đó đến năm 2006, chúng ta kết thúc đàm phán gia nhập WTO. Và chỉ trên cơ sở đó, Việt Nam mới được hưởng quy chế Tối Huệ quốc mà bên Mỹ họ gọi là Quy chế thương mại thường xuyên, lúc ý chúng ta mới có được sự bình đẳng và tiến ra thị trường thế giới.
PV:Thưa ông, nhìn lại chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải vào năm 2005, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm này đối với tương lai của quan hệ Việt-Mỹ sau này?
Nguyên PTT Vũ Khoan:Trước hết tôi phải nói rằng, đó là chuyến đi có ý nghĩa chiến lược về tầm vóc và dài nhất về thời gian, phức tạp nhất, căng thẳng nhất về hoạt động.
Thủ tướng Phan Văn Khải chịu một sức ép rất lớn về tâm lý, về trách nhiệm. Chính vì thế, tôi thấy Thủ tướng dốc sức vào chuyến đi đó, cả về mặt tinh thần, cả về mặt thể xác, để làm sao đạt được thành công cho chuyến đi năm đó.
Đêm khuya, tôi sang phòng Thủ tướng vẫn thấy ông lọ mọ, lúi húi đọc tài liệu. Tôi có nói với ông rằng, "mọi việc đã chuẩn bị tốt rồi, anh đừng lo. Tôi tin rồi anh sẽ giải quyết tốt thôi". Nhưng anh ấy vẫn nghiên cứu tài liệu. Tôi thấy Thủ tướng cặm cụi suốt. Một ngày gặp không biết bao nhiều người, đi không biết bao nhiêu nơi... Rồi lúc bấy giờ, những thế lực chống phá Việt Nam họ tiến hành biểu tình, gây gổ rất là nhiều.
Tóm lại, chuyến thăm có rất nhiều ý nghĩa, tạo một cơ sở chính thống cho Việt Nam. Lần đầu tiên Tuyên bố chung Việt- Mỹ được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Đấy là lần đầu tiên, một Tuyên bố chung Việt- Mỹ được thông qua giữa hai nguyên thủ, là điểm mốc rất quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Trước đó chỉ là bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ thôi.
Thứ hai, chuyến thăm đã giải tỏa được rất nhiều khúc mắc trong quan hệ hai nước. Hai bên đã bắt đầu giải quyết hậu quả chiến tranh. Về kinh tế, đã có BTA rồi có WTO. Về chính trị, có chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải và sau đó ông Bush thăm đáp lễ lại. Đặc biệt, Việt- Mỹ đã có trao đổi về an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, có một kết quả vô hình nhưng cực kỳ quan trọng, đó là vị thế của Việt Nam khác hẳn. Việt Nam đã có quan hệ đối với cả 5 Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ. Đấy có thể nói là đỉnh cao trong hoạt động đối ngoại của nước ta.
PV: Và nó tạo ra một vị thế mới riêng cho Việt Nam trong quan hệ Việt-Mỹ nói chung và trong quan hệ quốc tế sau này…
Nguyên PTT Vũ Khoan: Đúng như vậy. Chuyến đi ấy và quan hệ Việt-Mỹ chính là cái bổ sung thêm vào nền tảng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
PV: Vâng, trong câu chuyện về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ năm 2005, người ta có nói tới chuyện Thủ tướng Phan Văn Khải đọc bài phát biểu tại phòng Bầu dục…
Nguyên PTT Vũ Khoan:Có những sự việc người ngoài nói thì dễ, nhưng chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ nội tình, sức ép và áp lực ra sao. Quan hệ Việt- Mỹ đã trải qua nhiều năm khó khăn, lúc ấy anh Phan Văn Khải là Thủ tướng đầu tiên thăm chính thức Mỹ.
Trong cuộc gặp với Tổng thống G.Bush, mọi lời nói, mọi ngôn từ đều cần sự cẩn trọng bởi có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Vả lại đây là lần đầu tiên, hai nhà lãnh đạo của hai nước thù nghịch với nhau gặp nhau trước cộng đồng quốc tế, trách nhiệm rất nặng nề. “Vạn sự khởi đầu nan”, người gánh vác trọng trách ấy là người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm rất tốt trách nhiệm đó.
Một kỷ niệm nữa là tôi với Thủ tướng Phan Văn Khải gặp nội các Mỹ, hai anh em gặp suốt từ sáng đến tối. Mỗi cuộc gặp đều tranh thủ được sự đồng cảm từ phía bạn. Thái độ của Thủ tướng Phan Văn Khải rất khiêm nhường nhưng cởi mở nên đã tạo ra cho người ta cảm tình, tranh thủ được lòng người rất nhiều.
PV: Nếu có thể nói 1 câu về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông có thể nói điều gì?
Nguyên PTT Vũ Khoan: Nếu ngắn gọn thôi, ông ấy là một người có tầm và là một người rất có tâm. Tâm là tâm huyết với công việc, với nhân dân. Trong quá trình làm việc, ông ý lúc nào cũng bức xúc về vấn đề xóa đói giảm nghèo, về trường học, về y tế, bệnh tật rồi lũ lụt. Ông thường xuyên chia sẻ với chúng tôi chuyện đó. Ông ý rất có tâm với đồng chí, đồng nghiệp, anh em.
Đặc biệt, Thủ tướng Phan Văn Khải rất tin cậy những cộng sự khi ông ấy giao phụ trách công việc. Ông ấy có một thái độ rất hòa đồng, khiêm nhường, không bao giờ phô trương. Một cái tâm nữa rất ấn tượng, là khi Thủ tướng Phan Văn Khải xin thoái nhiệm sớm, thôi không tham gia Trung ương nữa, trong bài diễn văn trước Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thẳng thắn nhận khuyết điểm, thẳng thắn nêu những trăn trở của mình. Tôi thấy đấy là một con người phải có tâm lắm mới dám làm như vậy.
PV: Xin cảm ơn Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan./.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Ảnh: Ông Nguyễn Tấn Dũng và người dân viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Báo chí Nhật Bản đăng nhiều tin bài về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Nước mắt tuôn rơi ở Tân Thông Hội tưởng nhớ cố Thủ tướng Phan Văn Khải
Nhớ mãi chuyến thăm lịch sử đến Mỹ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải