Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về tình hình Nghị quyết số 56 của Quốc hội cho thấy, trong 3 năm, từ 2016-2018 biên chế công chức trong các cơ quan tổ chức hành chính nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp huyện giảm 12.648 biên chế, tức là giảm 4,6% so với số giao năm 2015. Nhưng để đến năm 2021 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 theo chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra thì còn nhiều khó khăn, vướng mắc và đòi hỏi cần có cách làm thống nhất, sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương. PV VOV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề này.Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
PV: Câu chuyện tinh giản biên chế, giảm bớt đầu mối, cải cách bộ máy tinh gọn, hiệu quả ở nước ta đã đặt ra nhiều năm qua nhưng sự chuyển động chưa được bao nhiêu. Có ý kiến cho rằng, do trong quá trình tổ chức tinh gọn, cải cách bộ máy chưa thực hiện nghiêm về kỷ cương, kỷ luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Chúng ta đã qua hai chương trình cải cách hành chính Nhà nước, đồng thời, có rất nhiều nghị quyết, kế hoạch của CP cũng như của Đảng. Nhiều năm qua, chúng ta cũng đã tiến hành tinh giản bộ máy, cũng như cán bộ công chức và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra cũng có nhiều hạn chế.
Tôi cho rằng, hiện nay số lượng cán bộ công chức, đội ngũ viên chức ở các cơ quan Nhà nước hưởng lương từ ngân sách còn quá lớn, đạt gần 70% ngân sách hằng năm. Cũng có rất nhiều nguyên nhân xảy ra tình trạng này. Trước hết, do hiện nay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương phải thực hiện quá nhiều công việc. Cho nên, nếu bây giờ giảm tải ngay đội ngũ cán bộ công chức nhiều khi cũng rất khó khăn ví như giáo dục và y tế.
Hiện nay, hệ thống giáo dục công lập của chúng ta rất lớn, yêu cầu đòi hỏi đội ngũ giáo viên cũng rất lớn. Nếu bây giờ giảm ngay cũng rất khó. Nhiều nơi các cơ quan cũng có thực hiện nhưng làm chưa quyết liệt trong đó việc tinh giản đội ngũ cán bộ công chức còn do phương pháp và trách nhiệm của Thủ tưởng cơ quan còn hạn chế. Trong đó, việc đánh giá đội ngũ cán bộ công chức để tinh giản còn nhiều hạn chế.
PV: Theo nhận định cuả Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhiều địa phương chưa chủ động, trì trệ, hầu hết mới chỉ tinh giản người nghỉ hưu, sức khỏe yếu. Theo ông, đây có phải mục đích của chủ trương tinh giản biên chế không?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đối tượng tinh giản biên chế có rất nhiều, trong đó có cả người không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc năng lực làm việc còn hạn chế. Thứ hai là trong quá trình sắp xếp bộ máy tổ chức có dôi dư và không bố trí được. Hay những người theo vị trí việc làm, nhưng năng lực chuyên môn không đáp ứng. Có rất nhiều đối tượng trong diện giảm, chứ không chỉ là đối tượng sức khỏe yếu, nghỉ hưu.
PV: Qua giám sát, một số đại biểu Quốc hội nhận định, việc đánh giá vị trí việc làm tại các địa phương chưa thống nhất cả về tiêu chí và cách hiểu dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu, mỗi nơi là một con số biên chế khác nhau cho cùng một công việc. Cách nhìn của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh:Sau khi luật Cán bộ công chức và luật viên chức ra đời, CP đã triển khai và yêu cầu tất cả các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cần phải xác định vị trí việc làm. CP đã có Nghị định 36 và Bộ Nội vụ đã có thông tư hướng dẫn rất chi tiết và có tập huấn xác định vị trí việc làm ở các cơ quan Nhà nước, kể cả cơ quan hành chính cũng như cơ quan sự nghiệp. Tuy nhiên, tùy từng các đơn vị khác nhau, chất lượng xác định vị trí việc làm có khác nhau. Đây là một vấn đề mới.
Mặc dù chúng ta có cả Nghị định, hướng dẫn, tập huấn xác định ví trí việc làm gồm 8 bước, nhưng khó và mới. Nhiều cơ quan còn lúng túng từ xác định vị trí việc làm, biên chế của mỗi cơ quan đơn vị, rồi cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức. Nhiều nơi khi xác định vị trí việc làm xong lại có yêu cầu tổ chức bộ máy cao hơn, to hơn so với trước.
PV: Như ông vừa cho biết xác định vị trí việc làm chúng ta còn thực hiện lúng túng mỗi nơi một kiểu. Chính vì mỗi nơi một kiểu cho nên cùng một nhân viên văn phòng, nơi chỉ cần 70, 80 nhưng có nơi lên 300 người. Theo ông cần những giải pháp gì tránh tình trạng này, đặc biệt là để đảm bảo xác định chính xác các đối tượng cần tinh giản biên chế?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh:Hiện nay chúng ta đang tiến hành sắp xếp lại tổ chức, bộ máy kể cả văn phòng. Chúng ta tiến hành sắp xếp lại văn phòng tỉnh, văn phòng cấp ủy, không còn của cấp ban. Thời gian tới, có thể hợp nhất những khối mang tính chất phục vụ, tham mưu của UBND, HĐND, đoàn Đại biểu Quốc hội nhằm giúp cho bên Đảng, chính quyền cho phù hợp. Đương nhiên số lượng các văn phòng khác nhau còn tùy từng điều kiện khác nhau của từng địa phương. Nhưng chênh lệch đến mức độ lớn từ 70-300 người thì quá nhiều. Cái đó chúng ta phải sắp xếp lại.
PV: Không thể tinh giản biên chế, hay tinh gọn bộ máy nếu không đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như cơ quan đơn vị. Quan điểm của ông về vấn đề này
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh:Nhà nước ta luôn luôn nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cũng đã có cả Nghị định về vấn đề đó. Bất cứ một công việc gì đều thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu. Cho nên thời gian tới, việc tinh giản biên chế của chúng ta rõ ràng phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu và khi người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ thì phải có chế tài xử lý cho phù hợp.
PV: Khi thực hiện cải cách tinh giản bộ máy là động chạm đến quyền lợi của nhiều lãnh đạo. Tinh giản biên chế là ảnh hưởng đến nhiều con người, vậy theo ông chúng ta cần làm gì để vừa hài hòa lợi ích vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 56 của Quốc hội đã đề ra.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh:Cái này chúng ta đã xác định từ lâu. Rõ ràng trong yêu cầu đổi mới của đất nước, đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chung thì tinh gọn bộ máy và tinh giản đội ngũ công chức là yêu cầu hết sức cấp bách và chúng ta đã làm quyết liệt.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố đụng chạm đến con người nên rất khó. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục và nêu cao quyết tâm chính trị rất cao và xác định trách nhiệm của mỗi một con người, cơ quan tổ chức. Bởi, khi sắp xếp bộ máy sẽ đụng đến con người, con người lúc bình thường thì cứ nghĩ là thống nhất về chủ trương nhưng cứ đụng đến con người cụ thể thì bắt đầu có băn khoăn.
Vì vậy, mỗi con người, mỗi Đảng viên, cán bộ công chức, viên chức không thấy được chỗ này cũng rất hạn chế. Cho nên, chúng ta phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí, quyết tâm chính trị của Đảng ta và làm cho bằng được. Đây là cuộc cách mạng, nếu không không tạo ra hiệu lực, hiệu qủa thì khó có thể thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội lên cao được.
PV: Xin cảm ơn ông./.Kiên quyết hơn trong giao biên chế cho các địa phương
Tinh giản biên chế: Phải điểm mặt được cán bộ “cắp ô đi, cắp ô về”
Tổ công tác của Thủ tướng: Không chấp nhận tăng biên chế, phình bộ máy
Long An sẽ tiến hành tinh giản hơn 5.000 biên chế