Thượng tá Lò Văn Phới, dân tộc Thái quê Mường Sang, Mộc Châu, nguyên là cán bộ công an tỉnh Sơn La. Ông được tăng cường trực tiếp cho chiến trường miền Nam từ 1971-1975 làm nhiệm vụ cơ yếu, mật mã phục vụ chỉ huy của lực lượng vũ trang giải phóng. Dù mấy chục năm đã trôi qua, ông vẫn nhớ từng câu, từng chữ trong mệnh lệnh tổng tấn công do Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký trong bức điện khẩn ngày 7/4/1975.
Thượng tá Lò Văn Phới và ông Dương Xuân Trường bên bản đồ Trường Sơn. |
“Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo trong điện bằng câu: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút. Xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sỹ. Sau đó, cả nước, cả miền Nam tổng tấn công”, ông Lò Văn Phới nhớ lại.
Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, rồi thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên – Huế và Đà Nẵng, quân đội Việt Nam Cộng hòa đang rơi vào thế đổ vỡ về chiến lược, thời cơ lớn cho giải phóng miền Nam đã mở ra. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Thường trực quân ủy Trung ương quyết định Tổng tiến công chiến lược giải phóng miền trong năm 1975, cụ thể là ngay trong tháng 4.
Bức điện là mệnh lệnh để các cánh quân của ta trên chiến trường thực hiện kế hoạch chớp thời cơ, nhanh chóng hình thành các mũi, hình thành thế bao vây và tiến về sào huyệt cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngay sau đó, quân và dân ta, các loại binh chủng, cả địa phương, cả cơ sở nổi dậy như vũ bão, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Quân ta tiến đến đâu thì quân Việt Nam cộng hòa chạy tan tác đến đó. 11h30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Sài Gòn đã giải phóng trong niềm vui tột cùng của quân và dân cả nước.
“11h30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Lúc bấy giờ thấy Đài Phát thanh Giải phóng tuyên bố Dương Văn Minh đầu hàng, tuyên bố kêu gọi binh sỹ Việt Nam cộng hòa đầu hàng. Chúng tôi mừng lắm, sung sướng lắm, chảy nước mắt vì thắng lợi rồi, đất nước Bắc Nam sum họp một nhà. Cả miền Nam vỡ òa trong niềm vui chiến thắng”, Thượng tá Lò Văn Phới nói thêm.
Thượng tá Lò Văn Phới chia sẻ về những ngày tháng hành quân vượt dãy Trường Sơn. |
Cũng như ông Lò Văn Phới, ông Dương Xuân Trường, người lính vận tải của Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực tiếp phục vụ chiến trường miền Nam năm xưa cũng không bao giờ quên ký ức những ngày tháng hành quân vượt dãy Trường Sơn tiến về giải phóng Sài Gòn.
Dù phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, qua nhiều làn bom đạn dày đặc, những trọng điểm đánh phá B52 của địch, ông và đồng đội vẫn một ý chí vững vàng, không nao núng, lái xe an toàn, đảm bảo chở thiết bị công binh, vũ khí đạn dược phục vụ quân giải phóng, hỗ trợ dọn đường, rà phá bom mìn cho bộ đội tấn công.
“Khí thế quân dân ta hào hùng lắm. Đi đến đâu là nhân dân, sinh viên, thanh niên, thiếu niên ra vẫy chào. Trong lòng sung sướng không tả nổi”, ông Dương Xuân Trường chia sẻ.
Ông Dương Xuân Trường nhớ lại niềm sung sướng khi được người dân chào đón trên đường tiến vào Sài Gòn. |
Sau giải phóng, những người lính Trường Sơn năm ấy lại trở về cuộc sống đời thường. Người ở lại quân ngũ, người về địa phương. Như ông Phới tiếp tục làm cán bộ công an nhân dân, ông Trường chuyển ngành lái xe cho cơ quan dân sự ở tỉnh Sơn La cho đến khi về nghỉ chế độ.
Năm 2016, Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La đã được thành lập, với hơn 200 hội viên. Dù vẫn còn những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật do ảnh hưởng của chiến tranh để lại, nhưng họ luôn phát huy tinh thần của người lính Trường Sơn, giáo dục con cháu, bà con chòm xóm đoàn kết, chung sức xây dựng bản mường./.