Kể từ ngày 18/2/2019, người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh và cấp huyện mỗi tháng 1 lần, cấp xã 2 lần trực tiếp tiếp dân, đối thoại với dân theo lịch thông báo công khai tại trụ sở hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan. Đây là nội dung Quy định số 11 về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” của Bộ Chính trị.

tiep_dan_qmro.jpg
 
Sẽ có người nêu câu hỏi: Luật tiếp công dân đã được ban hành, thì việc Đảng lại có thêm quy định về người đứng đầu cấp ủy tiếp dân có cần thiết hay không?

Xin thưa: Đây là quy định cần thiết đối với cấp ủy, vì mọi hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng đều do Đảng lãnh đạo mà trực tiếp là cấp ủy các cấp. Mọi chủ trương, Nghị quyết của Đảng đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân, thì cấp ủy Đảng phải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và bức xúc xã hội phát sinh. Vì vậy, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lắng nghe mới có thể chỉ đạo đúng, khắc phục tình trạng quan liêu giấy tờ, chỉ nói mà không làm, chỉ hứa mà không thấy kết quả.

Thực tiễn những năm qua đã xuất hiện nhiều đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy địa phương với người dân; không ít “điểm nóng” đã được giải quyết ổn thỏa. Nhưng hiện vẫn còn nhiều vấn đề, vụ việc bức xúc khiến người dân đặt câu hỏi về vai trò của cấp ủy địa phương: Cấp ủy ở đâu, người đứng đầu cấp ủy làm gì khi nạn cho vay nặng lãi và xã hội đen đòi nợ thuê lộng hành, chèn ép người dân ngay trên địa bàn? Cấp ủy ở đâu khi từng nhóm bán hàng đa cấp lừa đảo, len lỏi tới mọi ngõ ngách, từ thành thị tràn về nông thôn, miền núi?

Người đứng đầu cấp ủy có trách nhiệm thế nào trong rất nhiều vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài 5 năm, 10 năm, từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác mà chưa hẹn ngày kết thúc? Người đứng đầu cấp ủy chỉ đạo những gì khi tình trạng mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, truyền đạo trái phép … hoạt động công khai ở các đình chùa, miếu mạo, lan đến cả trường học, bệnh viện và khu công nghiệp?

Và xót xa hơn: cấp ủy ở đâu khi những bức xúc, dồn nén lâu ngày bùng phát thành bạo động, biểu tình, gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương…

Nếu không tiếp dân theo kiểu “chiếu lệ”, người đứng đầu cấp ủy sẽ nghe được dân nói, sẽ cảm nhận, chia sẻ những bức bối trong lòng họ, sẽ tự thấy mình còn quan liêu, giấy tờ, xa dân, ít thực tiễn. Nếu người đứng đầu cấp ủy tiếp dân không chiếu lệ, sẽ có thể đối thoại, chất vấn trực tiếp với cấp dưới và bộ phận tham mưu của mình về những vấn đề vướng mắc từ dân.

Và biết đâu đó, trong những báo cáo “ngay ngắn” kia, người đứng đầu cấp ủy lại thấy được ý đồ của nhóm lợi ích nào đó; lại có thể phát hiện những cán bộ năng lực yếu kém, quan liêu xa rời dân, có phẩm chất đạo đức không trong sáng. Bởi không ít vụ việc bức xúc, cấp ủy chỉ biết sự thật qua báo chí và mạng xã hội.

Tiếp dân, giải quyết bức xúc, kiến nghị, góp ý của dân là một trong nhiều kênh thông tin quan trọng đối với người đứng đầu cấp ủy. Tuy nhiên, việc tiếp dân, đối thoại với dân cần được thực hiện nghiêm túc, không đợi đến bức xúc, không để tích tụ thành điểm nóng, không đổ lỗi để làm nhẹ đi trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương.

Bởi thực tế có những vụ việc, người đứng đầu cấp ủy thiếu chỉ đạo quyết liệt, thậm chí thiếu dũng khí, do sợ ảnh hưởng đến số phiếu bầu, phiếu tín nhiệm của mình. Người đứng đầu cấp ủy như vậy thường “dĩ hòa vi quý”, thường chỉ đạo theo kiểu “trấn an dư luận” hoặc “cưỡi ngựa xem hoa”.

Tránh được tình trạng này và khi người đứng đầu cấp ủy làm gương tiếp dân định kỳ một cách thực chất, thì người có trách nhiệm khác sẽ không có lý do gì để “né” tiếp dân hoặc tiếp dân một cách chiếu lệ từng diễn ra thời gian qua./.