Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, người dân tích cực nhất trong việc phát hiện tố giác và tố cáo những hành vi tham nhũng, những biểu hiện bất thường và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác minh, xem xét xử lý. Bởi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp không thể tham gia phòng, chống tham nhũng có hiệu quả nếu không dựa vào các tổ chức thành viên, người có uy tín, tiêu biểu, cốt cán ở cơ sở và sự tham gia trực tiếp của người dân.

hoi_thao_vov_enai.jpg
Hội thảo giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn-Dân chủ, pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu ý kiến: “Theo tôi vị trí của Mặt trận trong công tác đấu tranh chống tham nhũng chính là nhân dân được tập hợp lại trong mặt trận, trong tổ chức mặt trận. Tức là nhân dân được tổ chức dưới sự tập hợp, dẫn dắt của mặt trận. Do đó tính chất xã hội rất rộng rãi, tiếng nói của mặt trận là tiếng nói của nhân dân, phải trở thành tiếng nói của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng này”.

Cũng theo các đại biểu, phòng, chống tham nhũng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện một cách có tổ chức từ trung ương đến cơ sở. Dưới cấp xã còn có Ban công tác Mặt trận tại khu dân cư như “cánh tay nối dài” của Mặt trận. Ngoài ra, còn có các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập và chỉ đạo hoạt động.

Để phát huy vai trò, sức mạnh của các cấp Mặt trận, các tổ chức thành viên Mặt trận và của các Ban công tác Mặt trận tại khu dân cư, các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, hàng năm, Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn công tác Mặt trận các cấp tham gia xây dựng chính quyền, trong đó có nội dung tham gia phòng, chống tham nhũng.

Ông Bùi Xuân Đức, Thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ-Pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Thế mạnh của chúng ta đó chính là Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Theo tôi phải đổi mới phương thức hoạt động này, mỗi năm Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng phải phát hiện được bao nhiêu vụ việc về tham nhũng. Trong đó tập trung động viên nhân dân phát hiện sau đó tập hợp và gửi thẳng lên cấp trên”.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp mà nhiều đại biểu đề cập đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Đồng thời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phải vận động và huy động được sự tham gia tích cực của Nhân dân, của báo chí vào công cuộc phòng, chống tham nhũng./.