Ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết điều này khi trả lời phóng viên tại cuộc họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV chiều 19/10.
Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ Nhất đã trao một số quyền, tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19.
Ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, hàng loạt văn bản đã được ban hành thời gian qua để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội. Chính phủ hết sức chủ động, ban hành trên 100 văn bản và linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và mang lại hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, ông Đặng Thuần Phong cũng cho rằng, do việc được áp dụng một số biện pháp khác luật nên có lúc chưa phù hợp với thực tiễn. Có quy định ràng buộc tới quyền con người, quyền công dân nên ít nhiều gây ra dư luận xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ cũng ra các văn bản theo điều kiện địa phương.
Các văn bản hướng dẫn, trả lời của bộ ngành Trung ương để giải quyết các vấn đề tại địa phương chưa kịp thời, từ đó gây ra tình trạng chưa thống nhất, nhiều nơi có cách hiểu, làm khác nhau gây bức xúc xã hội. Còn tình trạng văn bản hướng dẫn của địa phương chưa được rà soát thận trọng dẫn tới phải thu hồi, sửa lại nhiều lần, thậm chí gây phản cảm. Gần đây nhất có tình trạng địa phương dán cửa xe để không cho mở cửa khi đi ngang qua địa phương.
“Chúng tôi nghĩ sau này Ủy ban Pháp luật sẽ rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan thực thi Nghị quyết 30 về công tác phòng, chống dịch, xem có vượt quyền, trái quy định, gây bức xúc dư luận hay không” – ông Đặng Thuần Phong nói, bởi thực tế cũng thiếu cơ chế kiểm soát khiến mỗi địa phương quy định một kiểu, có dấu hiệu cát cứ, có hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”.
Bên cạnh đó, qua quá trình thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến thảo luận của ĐBQH, ủy ban thấy, Chính phủ và các ngành chưa có đánh giá tổng thể các vấn đề liên quan tới hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác phòng, chống Covid-19, chưa xây dựng đầy đủ lộ trình kế hoạch sửa đổi, hoặc bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan như Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược…
“Chúng tôi nhận thấy Chính phủ đã nhận diện rõ, trên cơ sở đó chắc chắn trong thời gian Chính phủ sẽ có chiến lược phòng, chống dịch bệnh tổng thể, thích ứng an toàn, linh hoạt… trong tinh hình mới cũng như hoàn thiện các biện pháp thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội nhằm thực thi nghị quyết có giá trị thực tiễn cao nhất” – ông Đặng Thuần Phong nói.
Chưa đủ điều kiện cần và đủ để tăng lương
Một trong những nội dung trong báo cáo của Chính phủ sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần này là việc lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Nhấn mạnh cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ công chức, viên chức, được thể hiện trong Nghị quyết 27. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động hết sức nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của nước ta, nguồn lực chi cho công tác chống dịch là rất lớn nên sẽ lùi thực hiện chính sách cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, tăng lương theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 27 là cần thiết và nội dung nêu rất kỹ các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương như triển khai các nhiệm vụ thu chi ngân sách bền vững; phòng chống tham nhũng, lãng phí, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiết tiết kiệm chi thường xuyên....
“Song tình hình hiện nay, có cố gắng hết sức cũng chỉ đạt tăng trưởng trên 3% thì nguồn lực nên ưu tiên cho đầu tư phát triển, chăm lo an sinh xã hội thì cán bộ, công chức, viên chức đồng thuận lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương là phù hợp vì điều kiện cần và đủ chưa chuẩn bị được” – ông Đặng Thuần Phong nói./.