Thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, sáng 6/6, các đại biểu cho rằng chúng ta chưa có một quy hoạch có tầm nhìn dài hạn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài ra, sự độc quyền đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng, người dân luôn chịu thiệt.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh, điện là loại hàng hóa đặc biệt, có tác động rộng lớn tới đời sống và nền kinh tế, nhưng hiện nay chúng ta chưa hình thành được một thị trường phát điện điện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.

Đại biểu nêu thực tế, hầu như trong các trường hợp, người tiêu thụ luôn chịu thiệt. Ví dụ người dân chậm nộp tiền điện liền bị nhà cung ứng cắt điện, trong khi đó, việc cung ứng chất lượng kém, cắt điện làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt thì chưa thấy cơ chế bồi thường.

Do đó, theo đại biểu, từ những bất cập trong thực tế, trong dự thảo luật sửa đổi lần này cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn và bổ sung những điểm mới để đáp ứng yêu cầu thực tế.

thao-luan-to.jpg

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ

Cùng chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Huyền Trang (đoàn Quảng Nam) chỉ rõ, trong hợp đồng mua bán điện, điều thấy rõ là thiệt hại nằm về phía người mua là chủ yếu. “Hợp đồng có ghi rõ nếu không cung cấp đủ thì đơn vị bán điện có chịu trách nhiệm hay bị xử lý không?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu cũng nêu thực tế, khâu thanh toán tiền điện nhiều khi chưa minh bạch, người dân có khi bị trả nhiều hơn số điện tiêu thụ thực tế nhưng khi thắc mắc không được giải thích rõ.

Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh, việc quy hoạch thủy điện chưa tốt, đôi khi để lại hậu quả rất lớn; những người bị mất đất, mất nhà để làm thủy điện chưa thực sự được hưởng lợi từ những công trình như vậy, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi.

Ở một góc độ khác, theo đại biểu Trần Quang Chiều (đoàn Nam Định), đề nghị trong dự thảo luật cũng cần nêu sớm có lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường, vì việc thực hiện lộ trình này càng chậm thì bản chất của nền kinh tế bị méo mó.

“Có địa phương khi nhà đầu tư nước ngoài vào xây một nhà máy thép, lượng điện tiêu thụ tăng gấp đôi. Với cơ chế giá điện như hiện nay, chỉ có nhà đầu tư hưởng lợi”, đại biểu nêu ý kiến.

Còn theo đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), không thể để tình trạng độc quyền kéo dài thêm nữa. Luật Điện lực sửa đổi cần phải quy định cụ thể hơn để sớm có một thị trường điện cạnh tranh minh bạch, vì thực tế đã nảy sinh nhiều hệ lụy.

Đại biểu cho rằng, Nhà nước phải quản lý về giá, nếu không, sẽ vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn. Theo đó, Luật Giá và Luật Điện lực phải có những quy định phù hợp.

“Cứ bàn và rồi để tình trạng như vừa qua thì Luật dù có hiệu lực cũng khó đi vào cuộc sống, không biết giải thích như thế nào với cử tri. Vì cái gốc là quản lý, nhưng luật chưa quy định rõ”, đại biểu băn khoăn.

Ngoài ra, tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định việc lập quy hoạch phát triển điện lực huyện/quận/thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Bởi lẽ, chỉ riêng yếu tố nhân lực đã không đủ đáp ứng./.