Tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn biến phức tạp
Liên tiếp thời gian qua, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra.
Nhiều vụ án ban đầu khởi tố, điều tra, xét xử về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; sau đó tiếp tục được mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, chiếm đoạt trong nhiều vụ án, từ đó khởi tố thêm nhiều vụ án, nhiều bị can về các tội tham nhũng. Điển hình như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn; mở rộng điều tra Giai đoạn II vụ án “Tổ chức đánh bạc, đánh bạc…” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG; vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm; Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm…
Qua đó, các cơ quan tố tụng đã xử lý nghiêm minh, công khai cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Có thể thấy, tội phạm kinh tế, tham nhũng thời gian qua diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực với nhiều thủ đoạn tinh vi và có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong thực hiện hành vi phạm tội.
Nổi lên là các hoạt động tội phạm như đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép hàng giả, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; hoạt động chứng khoán, tài chính ngân hàng với hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Tại Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng TAND tối cao, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao tổ chức mới đây, Trung tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an báo cáo kết quả cho thấy, riêng từ ngày 1/9/2014 đến nay, cơ quan điều tra đã điều tra, xử lý hơn 663 vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm.
Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố 123 vụ án với 925 bị can; 72 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; phong tỏa và thu hồi nhiều tài sản, bất động sản có giá trị từ các vụ án, khoảng trên 50.000 tỷ đồng; đề xuất xử lý nhiều vụ án phức tạp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và đã phối hợp với VKSND tối cao phong tỏa, kê biên tài sản đảm bảo thi hành án trị giá 21.000 tỷ đồng…
Theo Trung tướng Đỗ Văn Hoành, đấu tranh tội phạm tham nhũng, kinh tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tội phạm kinh tế trong các vụ án tham nhũng đa phần là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ quyền hạn, nguyên là lãnh đạo cao cấp, là người có ảnh hưởng trong xã hội, có kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước, có trình độ nhận thức và hiểu biết về các lĩnh vực, có khả năng, điều kiện sử dụng các mối quan hệ tác động tiêu cực đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Hơn nữa, đối tượng phạm tội tham nhũng có người là cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn. Hoạt động tội phạm thường diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, tố cáo nên đối tượng có thời gian hợp thức hóa hồ sơ tài liệu, tiêu hủy chứng cứ dẫn đến việc thu thập, củng cố tài liệu chứng minh về hành vi tội phạm gặp khó khăn.
“Các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước, trong quá trình thanh tra chuyên ngành khi phát hiện có cán bộ, đảng viên, nhân viên vi phạm thì sợ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị, trách nhiệm liên đới của cá nhân nên chủ yếu xử lý nội bộ, từ đó ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, giáo dục, răn đe tội phạm tham nhũng” - Trung tướng Đỗ Văn Hoành nói, đồng thời nêu thực tế tiến độ giám định, định giá thiệt hại trong một số vụ án còn chậm cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng, khiến công tác điều tra, xử lý tội phạm gặp khó khăn.
Xóa cơ chế xin – cho trong quản lý Nhà nước
Phân tích về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án tham nhũng, kinh tế chủ yếu là hành vi “ẩn”, được che giấu bởi nhiều hình thức khác nhau, che giấu bằng việc thực hiện quyền lực Nhà nước hay bằng những giao dịch kinh tế…
“Quan hệ kinh tế không minh bạch, hành vi phạm tội là hành vi "ẩn", chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng thường có nhiều quyền lực, có quan hệ, hiểu biết, trong khi thể chế, chính sách pháp luật về quản lý Nhà nước chưa hoàn thiện, có nhiều văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn nên nhiều đối tượng đã lợi dụng” – ông Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.
Nêu thực tế trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua cho thấy có sự móc nối giữa khu vực công và khu vực tư để hình thành lợi ích nhóm, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, “khi quyền lực Nhà nước gắn với nhóm lợi ích thì sẽ rất kinh khủng”. Bởi đằng sau các quyết định, dự án vẫn lẩn khuất đâu đó hành vi tiêu cực của các nhóm lợi ích, của doanh nghiệp sân sau. Do đó, ngoài vấn đề kiểm soát chặt chẽ quyền lực, giải pháp mấu chốt là phải xóa cơ chế "xin – cho" trong quản lý Nhà nước vì đây vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng.
Để phát hiện, phòng ngừa đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng, kinh tế đạt hiệu quả trong thời gian tới, Trung tướng Đỗ Văn Hoành cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của cán bộ, đảng viên tích cực phát hiện, tố giác tội phạm; cơ quan điều tra tiếp tục phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng.
Cùng với đó củng cố lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ mang tính chuyên gia đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm.../.