Sáng 31/3, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng TAND Tối cao và Ban Cán sự Đảng VKSND Tối cao.
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC); ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng TAND tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và ông Lê Minh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng VKSND tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đồng chủ trì Hội nghị.
Phối hợp tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ
Báo cáo sơ kết Quy chế phối hợp của 4 cơ quan do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày nêu rõ, từ khi Quy chế phối hợp được ban hành, công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng TAND tối cao, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao ngày càng chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, thượng tôn pháp luật và đúng quy định của Đảng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cơ quan đã phối hợp tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Đồng thời tham mưu có hiệu quả với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm các vi phạm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Thực hiện đúng quan điểm của Đảng, của Tổng Bí thư "có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật".
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi.
Các cơ quan đã phối hợp tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 171 vụ án, 130 vụ việc. Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý 123 vụ án, 925 bị can, 72 vụ việc; VKSND các cấp đã thụ lý 160 vụ án/1121 bị can, 124 vụ việc; đã truy tố 118 vụ/1056 bị can; TAND các cấp đã đưa ra xét xử sơ thẩm 112 vụ án/1008 bị cáo, xét xử phúc thẩm 77 vụ án/666 bị cáo.
Các cơ quan phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, theo ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao, các cơ quan tiếp tục tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 21 (khóa XIII) và kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính ngày 15/9/2021.
Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Đề án Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp...Bên cạnh đó, các cơ quan chủ động phối hợp dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình; nhận diện rõ các vấn đề phức tạp, nổi lên ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp có thẩm quyền các chủ trương, chính sách, giải pháp có tính chiến lược trong đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện và theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; việc triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kết luận của Chủ tịch nước - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại các phiên họp, cuộc họp; các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; phối hợp tham mưu chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử...
4 cơ quan chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo xử lý đối với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.../.