Chưa bao giờ nạn tham nhũng gây thất thoát lãng phí đất đai nói riêng và tài sản công nói chung được phát hiện xử lý nhiều như những năm vừa qua. Điều này cho thấy, công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta ngày càng quyết liệt và đã điểm đúng huyệt của nạn tham nhũng. Thế nhưng, thực tế trên cũng cho thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất đai còn nhiều kẽ hở.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm bị Tòa án Hà Nội xét xử trong vụ án sai phạm về đất đai xảy ra tại Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn Sabeco. Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các thuộc cấp đã thực hiện các hành vi để biến khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM thành tài sản tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.
Đây chỉ là một ví dụ điển hình trong hàng loạt vụ biến đất công thành đất tư trên phạm vi cả nước trong thời gian qua. Theo nhiều chuyên gia, thực trạng tham nhũng biến đất công thành đất tư xảy ra nhiều nơi với những thiệt hại lớn bởi hệ thống pháp luật đất đai còn nhiều kẽ hở, bất cập. Một trong những khoảng trống lớn nhất của Luật Đất đai năm 2013 là vấn đề tài chính đất đai và minh bạch thông tin về đất đai. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ phân tích: “pháp luật trao quyền thu hồi đất của người này xong giao đất cho thuê cho một nhà đầu tư đã được nhắm tới. Định giá như thế nào là người có thẩm quyền được quyết định. Đấy là kẽ hở, người có thẩm quyền luôn luôn lợi dụng để lấy chênh lệch chia nhau. Nhiều khu đất vàng đều không mạch lạc trong chuyện đưa đất vàng ra thị trường kiểu gì, công khai hay không, đấu giá hay không. Đấy cũng là việc dẫn tới khả năng thất thoát giá trị tài sản công”.
Pháp luật liên quan đến đất đai của Việt Nam hiện nay chưa rành mạch, rõ ràng, dẫn đến cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau. Mặt khác, cùng một vấn đề liên quan đến đất đai hiện nay, chúng ta có quá nhiều luật điều chỉnh phức tạp. Những vấn đề được quy định ở Luật Đất đai nhưng khi xây dựng nhà trên miếng đất đó phải thực hiện theo Luật Nhà ở; nếu đất đó là đất công thì phải tuân theo Luật Đầu tư công. Còn nếu đất đó được mua bán, lại liên quan đến Luật Kinh doanh bất động sản; rồi sự thiếu đồng bộ trong phân công quản lý về đất đai, thì giao cho ngành Tài nguyên môi trường quản lý đất, nhưng xác định thuế đất, giá đất lại do ngành Tài chính ban hành.
Theo ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, những lỗ hổng chồng chéo, thiếu đồng bộ đó đã bị các nhóm lợi ích lợi dụng, tự tung tự tác để thao túng, tham nhũng. Từ những vụ án đất công cũng cho thấy chúng ta đang buông lỏng quản lý, thiếu sự kiểm tra, giám sát, thanh tra của các cơ quan chuyên môn từ trung ương đến địa phương.
“Sơ hở trong kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và trong quản lý đất công của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cơ quan quản lý đầu ngành, trong đó có thanh tra nhà nước, giao cho các cơ quan đơn vị mà không kiểm tra để cho các cá nhân tự tung tự tác, cho thuê, bán, định giá không đúng giá trị tài sản của đất công”, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân, Thanh tra Chính phủ, nhấn mạnh, đất đai bị quan chức tham nhũng như vậy, ngoài sự thiếu hụt của chính sách pháp luật thì có sự xuống cấp của đội ngũ cán bộ công chức cùng với cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả. Trong khi chúng ta chưa có cơ chế để phát huy đầy đủ tính công khai, minh bạch trong đấu giá đất dẫn tới những cuộc thu hồi, bồi thường hay đấu giá thiếu minh bạch, thông thầu, chỉ định thầu để tạo nên sự chênh lệch địa tô rất lớn. Khoảng chênh lệch địa tô đó lại rơi vào một nhóm người là doanh nghiệp sân sau cùng một số quan chức và tất yếu sẽ xảy ra khiếu kiện.
“Người dân phải được tham gia ngay từ đầu quá trình quy hoạch người ta sẽ thấy được quyền lợi của mình trong đó. Nếu họ chưa thấy được quyền lợi trước mắt sau khi thu hồi đất, được bao nhiêu tiền một mét đất thì họ sẽ thấy được quyền lợi của họ, con cái họ sau khi dự án phát triển. Họ được tham gia vào quy hoạch thì họ sẽ được tham gia vào quá trình thực hiện quy hoạch, tham gia giám sát và sẽ được hưởng thành quả của việc quy hoạch đó. Xét cho cùng, Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội phục vụ người dân, nhưng bản thân người dân thấy được quy hoạch, thấy được sự công khai, ngay cả trong cơn sốt đất vừa qua, nếu công khai quy hoạch thì sẽ công có việc giới đầu cơ bất động sản đẩy giá lên”, ông Điệp phân tích.
Các vụ đại án tham nhũng đất công vừa qua chính là lời cảnh tỉnh để chúng ta cần hoàn thiện thật chắc chắn lồng thể chế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những vấn đề như quản lý hai chiều, nâng cao sự giám sát của nhân dân, công khai minh bạch thông tin về đất đai hay trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước là những vấn đề cần phải được tính toán trong việc sửa đổi Luật Đất đai để bịt kín những lỗ hổng pháp lý có thể dẫn đường cho tham nhũng trong lĩnh vực đất đai./.