Nhận lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 25/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Pháp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 5 năm thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh nước Pháp và Liên minh Châu Âu đang có nhiều thay đổi.
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng, là dịp để các nhà lãnh đạo hai bên nhìn lại chặng đường đã qua, xác lập khuôn khổ hợp tác, tạo định hướng nhằm làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp trong thời kỳ mới.
Việt Nam và Pháp có mối quan hệ truyền thống lâu đời. Tuy ở hai châu lục khác nhau, nhưng hai nước có mối quan hệ đặc biệt với các gắn bó mật thiết về lịch sử, văn hóa và xã hội. Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/4/1973, trải qua nhiều thăng trầm, quan hệ Việt Nam - Pháp không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Pháp luôn là nước đi đầu trong các nước phương Tây chủ trương mở rộng quan hệ và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển. Hai nước chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng trong phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như trong nhiều vấn đề của khu vực và quốc tế. Tháng 9/2013, nhân dịp 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.
Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao, góp phần làm tăng cường tin cậy chính trị, và hiểu biết lẫn nhau. Bên cạnh đó, nhằm đưa quan hệ phát triển thực chất, đi vào chiều sâu, hai bên đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác, trong đó có cơ chế Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa 2 Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp, do Bộ Ngoại giao chủ trì, họp thường kỳ hai năm một lần; cơ chế Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế, nhằm thảo luận các vấn đề chung trong hợp tác kinh tế hai nước, cũng như các dự án kinh tế song phương cụ thể…
Pháp hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Tây Âu. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 4,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2016, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp đạt hơn 3,35 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu đạt 1,27 tỷ USD, tăng 11,1% . Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp phong phú, đa dạng như giầy dép, dệt may, đồ gia dụng, hàng nông lâm, thủy sản, đồ điện, điện tử …Việt Nam nhập khẩu từ Pháp những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn như dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải...
Trong lĩnh vực đầu tư, Pháp hiện đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 125 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 513 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt gần 3 tỷ USD.
Pháp cũng là một trong những nước cung cấp ODA lớn cho Việt Nam, với tổng số vốn ký kết tính đến nay đạt gần 3 tỷ Euro.
Quan hệ giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực khác như quốc phòng-an ninh, giáo dục, văn hóa, y tế, du lịch... không ngừng được tăng cường và mở rộng. Hiện Việt Nam có hơn 7.000 sinh viên đang học tập tại Pháp. Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới.
Ngoài ra, cùng là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của tổ chức, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện…
Tuy nhiên, sự phát triển của quan hệ hai nước được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Giá trị trao đổi hàng hóa giữa Việt và Pháp hiện mới chỉ chiếm chưa đến một phần trăm trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Chuyến thăm Pháp lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh nước Pháp đang có nhiều thay đổi tích cực, nhất là từ sau khi Tổng thống Macron lên nắm quyền từ giữa năm 2017. Chính quyền mới của nước Pháp đang tập trung cải cách kinh tế-xã hội, đồng thời nỗ lực để thể hiện vai trò lớn hơn trong Liên minh châu Âu, tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông, Đông Á, cũng như trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, thúc đẩy thương mại tự do..
Chuyến thăm Pháp lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là chuyến thăm đến một nước ngoài khu vực đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta kể từ sau Đại hội 12 của Đảng, thể hiện Việt Nam coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với Pháp- đối tác quan trọng hàng đầu tại Tây Âu.
Chuyến thăm cũng sẽ là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi nước Pháp có Tổng thống mới, là dịp để các nhà lãnh đạo hai bên nhìn lại chặng đường 45 năm đã qua, xác lập khuôn khổ và tạo định hướng mới cho quan hệ hai nước trong thời kỳ tiếp theo. Đây cũng là dịp để Việt Nam củng cố quan hệ với các chính đảng, bạn bè truyền thống tại Pháp.
Tin tưởng chắc chắn rằng, chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, tạo dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp phát triển lên tầm cao mới, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư sẽ nâng tầm quan hệ Việt-Pháp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Pháp và Cuba từ ngày 25/3