Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua có đến 79,9% vụ khiếu kiện tố cáo của dân liên quan đến đất đai. Phần lớn các vụ khiếu kiện do việc chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang kinh doanh phi nông nghiệp và giá cả đền bù thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế. Cùng với đó là có khá nhiều dự án treo, trong khi người dân không có đất để sản xuất, sinh sống. Luật Đất đai hiện hành bộc lộ những bất cập, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế.
Luật sư Lê Đức Tiết: "Tuyệt đại đa số nhân dân đi theo Đảng là vì Đảng đã làm cho người cày có ruộng" |
Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ-Pháp luật, MTTQ Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là rất cần thiết. Luật Đất đai mới phải ghi nhận được những thành tựu của cả quá trình thực thi chính sách đất đai của Đảng trong 84 năm qua, đồng thời phải khắc phục cho được những tồn tại đã và đang nảy sinh trong xã hội.
Theo LS Lê Đức Tiết, thành công hay thất bại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước tùy thuộc một phần lớn ở chính sách đất đai. Trong lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Tuyệt đại đa số nhân dân đi theo Đảng là vì Đảng đã làm cho người cày có ruộng. Đối với người nông dân, không có gì thiết thực hơn là có đất để sinh nhai. Cơm ăn, áo mặc, làm nhà, mua sắm vật dụng, cưới xin, đóng góp công ích, hội hè… tất cả đều trông mong vào hoa lợi từ đất đai. “Có thể khẳng định rằng những thắng lợi to lớn và liên tiếp trong lãnh đạo của Đảng 84 năm qua là do Đảng có chính sách đúng về đất đai và gắn liền với nó là chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận”.
TS Hồ Ngọc Hải cũng cho rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng đã quan tâm đến thực trạng về việc sử dụng, quản lý đất hiện nay và đã có những sửa đổi, bổ sung cần thiết.
Còn theo ông Lù Văn Quê, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương, Dự thảo sửa đổi Luật đất đai năm 2003 đã có những quy định mới đối với các dân tộc, họ rất mừng là Đảng và Nhà nước đã có quan tâm, xác định rõ trách nhiệm về giải quyết đất ở, đất sản xuất…
Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội cũng cho rằng, dự thảo Luật lần này đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng so với Luật hiện hành, thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và yêu cầu thực tế. Nhiều vấn đề phức tạp về đất đai đã được đề cập rõ ràng hơn, như về giao đất, hạn điền, thời gian sử dụng đất, thu hồi và bồi thường khi thu hồi đất, việc mở rộng các quyền của người sử dụng đất, việc Nhà nước đảm bảo đối với quyền sử dụng đất, giá đất…
Bảo đảm quyền làm chủ của người được giao quyền sử dụng đất
Đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và người dân đều mong muốn việc sửa đổi Luật lần này phải khắc phục được những bất cập, khiếm khuyết đã và đang nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2003.
Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, trong thực thi chính sách về đất đai, cũng không thể tránh khỏi những vấp váp. Một trong những vấp váp đó là việc ban hành các đạo luật và văn bản dưới luật để thi hành điều hiến định về công hữu đất đai mang nặng tính chắp vá, thiếu thống nhất và chậm trễ. “Chồng chéo, khó tra cứu, hay thay đổi là những hiện tượng thường gặp đối với Luật Đất đai hiện hành”- Luật sư Tiết nói.
GS Nguyễn Lang, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Kinh tế, MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi phải khắc phục những thiếu sót của bộ máy hành pháp trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai-tài sản thuộc quyền sở hữu của toàn dân. Theo GS Nguyễn Lang, trong trường hợp thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội, chủ đầu tư phải tiến hành thỏa thuận với người đang sử dụng đất để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo các hợp đồng dân sự.
GS Nguyễn Lang cũng cho rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng phải khắc phục được tình trạng khai thác, sử dụng đất một cach lãng phí, không hiệu quả cũng như dẫn đến ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Cùng với đó phải bảo vệ và bảo đảm quyền làm chủ của người được giao quyền sử dụng đất. Đồng thời cũng làm rõ quyền hạn, nghĩa vụ của người được giao quyền sử dụng đất trong quá trình quản lý, khai thác đất được giao.
“Ban soạn thảo cũng cần bổ sung thêm đánh giá của Thanh tra Chính phủ là 79,9% tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai thì có bao nhiêu % về thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, trách nhiệm của một số địa phương và ngành không giải quyết dứt điểm vì lý do vào đó. Còn bao nhiêu % thuộc về tranh chấp đất đai, đòi lại đất… Cụ thể hóa thêm các trường hợp đó thì góp ý sửa đổi Luật đất đai bám sát thực tế hơn”- GS Nguyễn Lang đề nghị.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất được nêu trong Điều 25, ông Phạm Ngọc Thảo cho rằng “cần làm rõ trách nhiệm và sự đảm bảo của Nhà nước đối với người dân bị thu hồi đất sản xuất sẽ được đào tạo nghề, có việc làm, đảm bảo cuộc sống. Đây là việc người dân rất mong muốn. Việc bổ sung này sẽ đầy đủ hơn, sẽ khẳng định rằng người bị thu hồi đất sản xuất cũng được đào tạo hỗ trợ nghề. Mặt khác sau khi được đào tạo nghề, họ còn được tìm việc làm phù hợp để đảm bảo cuộc sống”.
Ông Lù Văn Que: "Qua giám sát, thấy ai sai luật, có tiêu cực, đều phải nghiêm trị, dân mới tin" |
“Thực tế hàng chục năm qua ở Hà Nội, 80-85% người dân bị thu hồi đất không được giải quyết việc làm hoặc chỉ được tạm bố trí lúc đầu, sau một thời gian các doanh nghiệp đã sa thải họ, khi doanh nghiệp đã ổn định sau khi thu hồi đất xong. Việc bổ sung nội dung đảm bảo việc làm cho người dân, Nhà nước sẽ phải có trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện theo quy định của Luật, không thể tùy tiện như thời gian vừa qua”, ông Thảo nói.
Ông Lù Văn Que cho rằng, Điều 194, Dự thảo quy định giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai là quy định hợp lòng dân. Nhân dân là chủ sở hữu đất đai, Nhà nước là đại diện của chủ sở hữu đó.
Theo ông Que “để công dân giám sát được việc này, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 quy định rõ mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu có quyền và nghĩa vụ gì? Tránh tình trạng mọi việc đều do đại diện chủ sở hữu thực hiện, còn chủ sở hữu lại không biết, không thể để đại diện chủ sở hữu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Luật phải qui định có quy chế cụ thể hơn nữa thì công dân mới giám sát được; không chỉ có công dân mà các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình… đều có quyền giám sát sẽ có hiệu quả tốt. Qua giám sát, thấy ai sai luật, có tiêu cực, đều phải nghiêm trị, dân mới tin”./.