Chiều 24/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khiếu nại.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Khiếu nại. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Khiếu nại. Đa số đồng tình với nội dung tiếp thu chỉnh lý bổ sung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng tình cao thể chế hóa và cụ thể hóa Luật Khiếu nại tố cáo thành các luật khác nhau. Theo đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) trong Luật Khiếu nại tố cáo có 3 phần là: khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân. Đại biểu đề nghị trong phạm vi điều chỉnh của dự án luật này đưa vào khiếu nại quyết định hành chính, hành vi vi phạm hành chính của các cơ quan nhà nước, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ và công chức… còn lại đưa thành văn bản pháp lý riêng. Bởi nếu đưa vào Luật này chỉ liên quan nội dung khiếu nại còn nội dung tố cáo lại ở văn bản luật khác. 

Tán thành chủ trương tiếp công dân cả trong Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo

Theo đại biểu Quốc hội, vấn đề tiếp công dân là khâu đầu của quá trình giải quyết khiếu nại. Quy định về tổ chức tiếp công dân, nhất là đoàn đông người, trong dự thảo Luật sẽ giúp giải quyết tốt và ngăn chặn những phức tạp có thể xảy ra trong khiếu nại đông người. Đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật đã quy định trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân, là một điểm mới. Đại biểu đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật, giao cho tổ chức có thẩm quyền là cơ quan nào ban hành quy định về tiếp công dân ở trụ sở.

Về quy định quyền hạn tiếp công dân, nhiều đại biểu băn khoăn về trường hợp cán bộ nhưng được giao nhiệm vụ theo dõi đôn đốc việc giải quyết khiếu nại tố cáo của người có thẩm quyền, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại tố cáo của người có trách nhiệm. Đại biểu Hà Công Long (đoàn Gia Lai) cho rằng, nếu cán bộ được giao theo dõi đôn đốc người có thẩm quyền sẽ khó. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu thêm để quy định  rõ ràng và minh bạch địa vị pháp lý của cơ quan tiếp công dân và quyền hạn, thẩm quyền của cán bộ tiếp công dân. 

Loại bỏ trường hợp đông người tới các cơ quan tiếp dân

Đồng tình với báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về khiếu nại nhiều người, tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần nói rõ khái niệm mấy người trở lên là "nhiều người" trong Luật.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội), khiếu kiện đông người về đất đai, nhà ở là một thực tế phải giải quyết không thể né tránh. Do vậy, cần quy định trong luật một số biện pháp giải quyết khiếu nại đông người theo hướng: trường hợp khiếu nại đông người về cùng một nội dung thì hướng dẫn họ có đơn chung và cử người đại diện tham gia vào quá trình giải quyết theo trình tự thủ tục do Chính phủ quy định; trường hợp nhiều người khiếu nại nhưng mỗi người khiếu nại một nội dung khác nhau thì hướng dẫn từng người làm đơn sau đó thụ lý giải quyết riêng từng khiếu nại theo thủ tục chung quy định trong luật này.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (đoàn Lạng Sơn) nêu thực tế: có nhiều khiếu nại đến trụ sở tiếp công dân nhiều lần, dù đã được tiếp lần một, lần hai và có văn bản trả lời việc giải quyết đó là đúng; nhưng người dân vẫn tiếp tục đề nghị. Đối với trường hợp này, đại biểu đề nghị cần có bổ sung quy định trong Luật từ chối tiếp công dân khi đã tiếp và giảiquyết nhiều lần, cầncó quy định này để ra văn bản từ chối.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) cho rằng cần quy định cụ thể hơn để Luật bảo đảm tính khả thi. Cần làm rõ khái niệm khiếu nại đông người để loại bỏ trường hợp kéo đông người tới các cơ quan tiếp dân và nội dung khiếu nại không thống nhất. Vấn đề này cần được quy định ở trong Luật, phân loại về tiếp công dân và xử lý ban đầu về tiếp nhận khiếu nại đông người, để nếu đúng là khiếu nại đông người thì đưa vào xử lý đúng theo Luật Khiếu nại.

Về thời hạn giải quyết khiếu nại, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) đề nghị cân nhắc việc giảm thời gian quyết định khiếu nại lần đầu từ 30 ngày còn 15 ngày. Đại biểu cho rằng việc triển khai giải quyết ở các đơn vị rất khó khăn, nhất là lĩnh vực đất đai đang chiếm chủ yếu lại là vấn đề vô cùng phức tạp, nên việc hạ thời hạn giải quyết này là không thỏa đáng; sẽ chỉ dẫn tới vi phạm của các cơ quan càng nghiêm trọng.   

Nên khuyến khích luật sư tham gia giải quyết khiếu nại

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tạo điều kiện giải quyết khiếu nại nhanh chóng đúng pháp luật, đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên trong quá trình giải quyết khiếu nại, cần có cơ chế bảo đảm quyền của luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại. Vì vậy, dự án Luật Khiếu nại cần mở rộng quyền và khuyến khích việc tham gia của luật sư trong giải quyết khiếu nại hành chính thông qua việc cho phép luật sư được tham gia được đại diện theo ủy quyền và tham gia giúp đỡ người khiếu nại…/.