Đây là một trong nhiều vấn đề quan trọng được đặt ra tại Phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022, với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, diễn ra chiều nay (18/9).
Tạo phòng vệ vững chắc cho kinh tế Việt Nam
Tham luận tại phiên toàn thể, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động do tác động bất lợi từ cú sốc bên ngoài cũng như những yếu kém nội tại. Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới.
Trong 5 lý do chính được chỉ ra, chuyên gia này lưu ý bối cảnh hiện nay và sắp tới còn phức tạp, nhiều bất định, rủi ro (xung đột Nga-Urkaine; lạm phát, giá cả tăng, nguy cơ suy thoái kinh tế và bất ổn kinh tế - tài chính toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch chuyển năng lượng…).
Theo đó, sức chống chịu và khả năng thích ứng là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo hệ thống phòng vệ vững chắc bảo vệ nền kinh tế - tài chính, hệ thống doanh nghiệp và thị trường trong nước.
Ông Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu cũng dẫn các số liệu thống kê theo các tiêu chí và đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế đánh giá năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, ở sức mạnh về kinh tế - tài chính, sức mạnh thể chế và quản trị vĩ mô và xã hội – môi trường.
“Năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình - khá, trong đó các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô; chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp” – ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh, đồng thời lưu ý khả năng “nhảy nhóm” là rất nhanh vì bối cảnh thế giới có nhiều điều bất thường xảy ra.
Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, phát huy thuận lợi, cơ hội và hạn chế tối đa rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam và có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế…
Đề xuất tăng lương
Nêu ý kiến thảo luận, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) đánh giá, trong bối cảnh 2022, Việt Nam có một loạt chính sách tài khóa được thực hiện chưa có tiền lệ.
Ông đánh giá có ba “cái được” trong việc thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ hỗ trợ. Theo đó, việc hỗ trợ giảm thuế và hỗ trợ tài khóa đã giúp tình hình vĩ mô ổn định; một số gói hỗ trợ liên quan tới việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người lao động góp phần cho việc ổn định về kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm.
Cho rằng trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ có một loạt các vấn đề cần điều chỉnh, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nêu rõ, ngoài chính sách hỗ trợ giảm thuế thì các chính sách khác chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai gói hỗ trợ về nhà ở còn hạn chế. Chương trình đầu tư công còn rất chậm sẽ đặt ra thách thức nhất định trong năm tài khóa 2023 - 2025.
Do đó, cần tiếp tục xem xét các chính sách đã thiết kế để điều chỉnh khi cần. Cùng với đó, vai trò giám sát của cơ quan dân cử là rất quan trọng trong đầu tư công.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý nên rút kinh nghiệm từ các chính sách thực tiễn cho thấy, chính sách nào đơn giản, dễ thực hiện và trực tiếp thì hiệu quả rất cao. Ông cũng đề nghị cần xem xét tăng lương cho cán bộ, viên chức để tạo ra sự kích thích mới.
Đặc biệt, cần xem xét kỹ lưỡng để phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đồng thời thực hiện các chính sách đơn giản, dễ hiệu quả, dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam như giai đoạn vừa qua.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định, nhờ những chính sách hợp lý đã giúp không ngành xuất khẩu tận dụng cơ hội, trong đó có ngành dệt may. Đó là việc Việt Nam mở cửa sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa có các gói hỗ trợ, trong đó có chính sách với người lao động đã hỗ doanh nghiệp rất nhiều.
Tuy nhiên, ông Trường cho rằng, dư địa các chính sách hiện nay không còn nhiều do các nước khác cũng đã áp dụng, trong khi thị trường thế giới có nhiều biến động khó lường, thì đòi hỏi cần tiếp cận các chính sách mới.
“Khi nguồn lực hạn chế cần có trọng tâm ưu tiên. Đối với ngành xuất khẩu phải xuất phát từ hai điểm là thặng dư đem lại xuất siêu cho Việt Nam; khả năng sử dụng lao động và khả năng dẫn đạo để đưa tỷ lệ nội địa cao, tức là phục hồi đơn vị xuất khẩu nhưng kéo theo nhiều đơn vị trong nước khác cũng được phục hồi” – ông Trường nêu ý kiến./.