Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. Đây là Luật đang được lấy ý kiến từ các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhân dân, trong đó vấn đề “tiền ảo”, “tài sản ảo” nhận được nhiều ý kiến bàn luận.
Ngày 7/9, phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra tại Hà Nội, đại biểu Dương Quý Phước (đoàn Quảng Nam) nhận định: Tiền ảo, tài sản ảo với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố.
"Tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua các loại hình bất hợp pháp thành tiền sạch. Chuyển vào các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau" - đại biểu Dương Quý Phước cho biết.
Tại Việt Nam, những năm gần đây đã xuất hiện loại tội phạm liên quan đến tiền ảo. Điển hình như vụ cướp Bitcoin tổng giá trị hơn 37 tỷ đồng, được thực hiện bởi 16 bị can, vụ án bắt cóc gia đình doanh nhân trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, xảy ra tháng 5/2020.
Trước thực trạng này, cùng với vấn đề giao dịch tiền ảo vẫn diễn ra hàng ngày ở Việt Nam, đặt ra bài toán với cơ quan quản lý Nhà nước cần hướng đến việc coi tiền ảo, tài sản ảo là một loại tài sản.
Trao đổi với PV VOV.VN, Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, hiện nay, Việt Nam đặt ra vấn đề quản lý, nhưng hoàn toàn chưa có văn bản nào cấm hoặc thừa nhận với đồng tiền ảo.
“Muốn quản lý được tiền ảo, trước tiên cần phải công nhận tiền ảo, tài sản ảo là một loại tài sản và loại tài sản này cần phải được quản lý chặt chẽ, tránh sự biến tướng như trong thời gian qua”. - Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Vị luật sư này phân tích, xét về mặt giá trị, tài sản ảo có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng vì nó đáp ứng các nhu cầu của con người. Ví dụ như trò chơi trực tuyến đáp ứng nhu cầu về giải trí; tên miền cung cấp một hình thức đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan, thương hiệu, mua bán tác phẩm nghệ thuật trực tuyến… Những điều này đều có thể thanh toán bằng tiền ảo trên không gian mạng.
Ở góc độ khác, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, hiện tại, các quốc gia trên thế giới có quy định khác nhau về tiền ảo, có quốc gia cho phép, có quốc gia không cấm nhưng cũng không thừa nhận và có quốc gia hoàn toàn cấm tiền ảo.
Chẳng hạn như El Salvador, một nước nằm ở Trung Mỹ đã chấp nhận đồng tiền Bitcoin thành phương tiện thanh toán hợp pháp vào tháng 6/2021 và trở thành quốc gia đầu tiên chính thức chấp nhận đồng tiền này.
Tại Việt Nam, vấn đề tài sản ảo, tiền ảo, pháp luật chưa có quy định rõ ràng, đầy đủ. Còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra nhưng vẫn chưa thể giải quyết. Ví dụ đồng Bitcoin có được coi là tài sản ảo, tiền ảo mà pháp luật Việt Nam công nhận hay không?
Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật chỉ ra, tại Điểm A, khoản 2, Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước quy định về ngoại tệ, Bitcoin không được xem là ngoại tệ và cũng không là đối tượng của ngoại hối vì Bitcoin không phải đồng tiền của bất cứ một quốc gia nào.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết: “Tiền ảo đang nằm trong “khoảng trống pháp lý” khi không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận. Từ đó, trong thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo là công cụ, phương thức chính. Từ đó gia tăng tội phạm về vấn đề tài sản ảo, tiền ảo.”
Các hoạt động liên quan đến tiền ảo vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Do các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền chưa có quy định cụ thể về tiền ảo.
Việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý, giám sát với tiền ảo, tài sản ảo và quy định pháp lý về phòng, chống rửa tiền là yêu cầu cấp thiết, nhằm giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa tội phạm trong thời điểm hiện nay./.