"Sau 8 năm ký kết Hiệp định đối tác chiến lược song phương, còn nhiều hạng mục mà Pháp có thể thúc đẩy với Việt Nam. Tôi mong muốn thời gian tới nước Pháp sẽ có những cam kết mạnh mẽ hơn với Việt Nam, đặc biệt là việc giúp Việt Nam giải quyết cuộc khủng hoảng y tế- kinh tế do tác động của đại dịch Covid -19"- Đó là lời khẳng định của Thượng nghị sỹ Catherine Deroche, Chủ tịch Uỷ ban các vấn đề xã hội đồng thời là Chủ tịch Nhóm hữu nghị Pháp– Việt tại Thượng viện Pháp trong cuộc phỏng vấn với nhóm phóng viên VOV thường trú tại Paris trước thềm chuyến thăm Pháp của Thủ tướng chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính (dự kiến từ ngày 3-5/11).
PV: Thưa bà Catherine Deroche, Việt Nam và Pháp đã ký Đối tác chiến lược vào năm 2013 và quan hệ song phương đã ghi nhận những bước tiến quan trọng trong vài năm qua. Tuy nhiên, gần đây cả hai nước đều phải đối mặt với tình huống dịch bệnh khó khăn do Covid-19. Theo bà, chúng ta cần làm gì để làm mới và tăng cường động lực cho mối quan hệ đối tác này trong tình hình mới?
Thượng nghị sỹ Catherine Deroche: Pháp và Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác chiến lược tăng cường quan hệ hai bên từ năm 2013. Pháp cũng ủng hộ Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Hai Hiệp định quan trọng này là cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ các mối liên kết và hợp tác Pháp – Việt. Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác phi tập trung giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Pháp cũng được thúc đẩy tích cực, sau cuộc họp gần nhất là tại thành phố Toulouse (Pháp) vào năm 2019 và sắp tới là tại Hà Nội vào năm 2022. Đó là những minh chứng cho thấy nước Pháp luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Tuy nhiên, quan hệ hai bên vẫn gặp phải có một số thách thức lớn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng y tế, dịch bệnh hay vấn đề khí hậu. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, những hợp tác và hiểu biết lẫn nhau sẽ giúp hai nước có thể vượt qua các thách thức này; đặc biệt là những vấn đề về môi trường, y tế, kinh tế đối với Việt Nam – một quốc gia có dân số trẻ và có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trước đại dịch Covid-19. Có thể nói rằng còn rất nhiều hạng mục trong mối quan hệ đối tác chiến lược mà Pháp muốn thúc đẩy với Việt Nam.
PV: Từ 3-5/11, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm chính thức tới Pháp. Bà cùng nhóm thượng nghị sỹ hữu nghị Pháp Việt có những mong đợi gì vào sự kiện song phương quan trọng này?
Thượng nghị sỹ Catherine Deroche: Hai nước đã có những trao đổi hoạt động đoàn cấp cao trong thời gian gần đây. Trong năm 2018, Pháp đã đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã làm gián đoạn tạm thời các hoạt động trao đổi song phương. Tôi cho rằng, điều quan trọng là phải nối lại việc trao đổi các trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước bởi mỗi chuyến thăm, gặp gỡ cấp cao sẽ đưa ra những đề xuất mới, ký kết các thoả thuận và hợp đồng mới.
Tôi mong muốn thời gian tới, Pháp sẽ có các cam kết mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam, nhất là giúp đất nước các bạn giải quyết các khó khăn từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế cũng như y tế, cụ thể là vấn đề tiêm phòng vaccine cho người dân Việt Nam.
PV: Về vấn đề tiếp cận vaccine, hiện vaccine vẫn là vũ khí tốt nhất chống lại Covid-19 nhưng vấn đề tiếp cận vaccine công bằng vẫn là một thách thức lớn với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo bà, cần làm gì để xóa bỏ sự bất bình đẳng này? Bà có ủng hộ việc xóa bỏ bản quyền vaccine để tất cả các nước đều được tiếp cận với vaccine?
Thượng nghị sỹ Catherine Deroche: Đến nay, tiêm phòng vaccine vẫn là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn đại dịch ngay cả khi chúng ta đang chờ những biện pháp điều trị mới có thể sẽ được đưa ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Pháp cũng đã tài trợ cho Việt Nam 600.000 liều vaccine để hỗ trợ thúc đẩy tỷ lệ người dân được tiêm phòng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp nếu so với tổng dân số và ngưỡng quy định để đạt miễn dịch cộng đồng.
Về vấn đề xóa bỏ quyền sáng chế, Ủy ban các vấn đề xã hội mà tôi điều hành sẽ có báo cáo đánh giá để xác định những vấn đề liên quan, những khó khăn có thể gặp phải và có tiếng nói quan trọng về vấn đề này tại Thượng viện. Để có thể đẩy lùi đại dịch toàn cầu này, thì điều cần thiết là càng nhiều quốc gia có tỷ lệ người dân được tiêm chủng cao càng tốt, cũng như thực sự cần đến sự đoàn kết, tương trợ quốc tế trong vấn đề vaccine.
Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết được cuộc khủng hoảng Covid-19. Bởi cho dù nước đó có tiêm đầy đủ vaccine cho người dân, thì cũng không thể ngăn chặn được lây lan nếu các quốc gia xung quanh vẫn còn nhiều người chưa được tiếp cận với vaccine. Vậy nên, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề tiếp cận vaccine của các quốc gia trên thế giới .
PV: Vâng, xin cảm ơn bà!./.