Trưa nay (30/3), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Cơ chế Hội nghị Nữ nghị sĩ IPU và 20 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ IPU lần thứ 21, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nhấn mạnh: Bắt nguồn từ sáng kiến của các nữ nghị sĩ năm 1978 về việc hình thành nhóm phụ nữ không chính thức, từ năm 1986, Hội nghị Nữ nghị sỹ đã trở thành một hoạt động chính thức, định kỳ tại trước phiên khai mạc mỗi kỳ Đại hội đồng, thể hiện sự gắn kết giữa các Nghị viện và nữ nghị sĩ các quốc gia thành viên của IPU; là diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại cởi mở về các chủ đề cùng quan tâm và đưa ra quan điểm của mình đối với các vấn đề được xem xét tại Đại hội đồng dưới lăng kính giới.

img_0042_tddx.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ

Qua 30 năm hình thành và phát triển, Hội nghị Nữ nghị sĩ đã chứng kiến sự tham gia ngày càng đông của nữ nghị sĩ tại Đại hội đồng, từ khoảng 10% nữ nghị sĩ trong những năm đầu, lên đến hơn 30% nữ nghị sĩ trong các kỳ họp gần đây, các vấn đề giới được đưa vào chương trình nghị sự nhiều hơn, thường xuyên hơn, thu hút sự quan tâm lớn hơn của các đại biểu.

Năm 2015 cũng đánh dấu 20 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh. Hội nghị Nữ nghị sĩ tự hào vì các sáng kiến phong phú đã đóng góp trong quá trình hình thành, cũng như các hoạt động tích cực trong việc thực hiện Cương lĩnh.

Trong thời gian tới, Hội nghị nữ nghị sĩ sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm đã được khẳng định trong suốt 30 năm qua và có bước phát triển mới mạnh mẽ hơn và đóng góp nhiều hơn vào thành công trong mục tiêu chung của IPU, cũng như góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quá trình tiến tới bình đẳng giới thực chất.

Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng cho biết, kể từ khi chính thức trở thành thành viên của IPU (tháng 4/1979), Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm và đã có những đóng góp hiệu quả đối với hoạt động của cơ chế Hội nghị Nữ nghị sĩ. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh cùng các cam kết quốc tế khác đã thể chế trong pháp luật Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội năm 2008 và đã thu hút được nhiều nam đại biểu tham gia tích cực, có trách nhiệm tại Hội nghị Nữ nghị sĩ IPU, góp phần vào thành công chung của Hội nghị và các vấn đề giới trong chương trình nghị sự của các kỳ Đại hội đồng.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng ký cam kết “Tôi tham gia Hội nữ nghị sĩ ở mọi nơi vì một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em gái”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ và tham gia đầy đủ, có trách nhiệm các hoạt động của cơ chế này. Đồng thời, đề nghị IPU, các Nghị viện thành viên, các nghị sĩ ủng hộ hoạt động của cơ chế Hội nghị Nữ nghị sĩ; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Nghị viện, trong các hoạt động của IPU, thúc đẩy lồng ghép giới trong các chương trình nghị sự của Nghị viện.

Tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan cũng chia sẻ: “Chúng ta không thể phủ nhận những nỗ lực và thành tựu đã đạt được trong công cuộc tăng quyền cho phụ nữ. Năm 2015, chúng ta có 19 phụ nữ đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ trên toàn thế giới; tỉ lệ phụ nữ đi làm nhiều hơn, với 50% phụ nữ trên thế giới có công việc được trả lương; khoảng cách giới trong giáo dục tiểu học tại các nước đang phát triển gần như không còn và số trẻ em gái được đi học cấp 2 tăng lên; tuổi thọ phụ nữ toàn cầu tăng đáng kể từ 67 tuổi thành 73 tuổi và tỉ lệ tử vong bà mẹ đã giảm 45%... Những thành tựu đó là kết quả của những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ IPU”.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam có những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam là một trong các nước châu Á với nhiều nữ đại biểu Quốc hội nhất và có số nữ giám đốc điều hành đứng thứ nhì ASEAN. Việt Nam cũng đã xây dựng và thực thi nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, chiến lược quốc gia nhằm hướng tới bình đẳng giới như Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới 2011-2015 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020.

Các đại biểu ký cam kết tại buổi lễ

Việc Đại hội đồng IPU-132 được tổ chức ở Việt Nam với chủ đề“Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” có ý nghĩa hết sức quan trọng khi cộng đồng quốc tế đang tập trung nỗ lực nhằm xây dựng và thông qua Chương trình nghị sự sau năm 2015 và các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch nước vui mừng khi thấy trong 17 Mục tiêu Phát triển bền vững đang được đề xuất, mục tiêu thứ 5“Hoàn tất bình đẳng giới, và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”tiếp tục là một trong những mục tiêu hàng đầu, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Do đó, bà mong rằng tại New York tháng 9 năm nay, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ tái cam kết hành động nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh để có thể đạt được những tiến bộ sâu rộng hơn trong việc xóa bỏ các rào cản đối với tăng quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới.

Tại buổi Lễ, bà Margaret Mensha-Williams, Chủ tịch Ủy ban điều phối Nữ nghị sĩ đã đọc Lời kêu gọi hành động. Trong đó nhấn mạnh: “Chúng ta, những nghị sĩ, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội nghị Nữ nghị sĩ IPU, tin tưởng rằng chúng ta có thể và nhất thiết phải xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn đối với phụ nữ và các bé gái thông qua hành động. Chúng ta, những nhà lập pháp, những đại diện của dân, những người giám sát chính phủ cam kết xây dựng một thế giới đối xử với phụ nữ và các bé gái bình đẳng như với đàn ông và các bé trai ở mọi lứa tuổi, trong mọi lĩnh vực… Tôi là một nghị sĩ, sức mạnh của tôi là sức mạnh vì phụ nữ”.

Kết thúc buổi Lễ, các đại biểu tham gia ký cam kết “Tôi tham gia Hội nữ nghị sĩ ở mọi nơi vì một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em gái”./.