Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sáng 20/8, các ý kiến đều cho rằng việc chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên phải thay đổi, khiến cho việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội không được nghiêm túc; việc ban hành các văn bản hướng dẫn không kịp thời gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều đại biểu nêu rõ trình trạng các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật bị nợ đọng quá nhiều, quá lâu; thậm chí có Luật được ban hành đã 3-5 năm mà vẫn thiếu hướng dẫn thi hành.

“Cử tri rất bức xúc khi chậm hướng dẫn đến 3-5 năm sau khi luật ban hành. Điều này có bị xem là không thực hiện nghị quyết của Quốc hội, là vi phạm luật không?”, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu ý kiến. Theo đại biểu này, tình trạng trên kéo dài quá lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội thì cần tính đến trách nhiệm pháp lý trước Quốc hội.

chat-van.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đánh giá, bên cạnh hướng dẫn văn bản luật chưa đáp ứng được yêu cầu thì có những chính sách pháp luật đáp ứng được nhưng việc tổ chức thực thi lại chưa tốt.

“Hiện nay các dự án luật đều án binh bất động. Mặc dù chúng ta khắc phục một phần bằng cách ở điều cuối hướng dẫn thi hành cho phép Chính phủ hướng dẫn những điều luật nào, nhưng trên thực tế không một chính sách nào trong một văn bản luật đúng ngày có hiệu lực mà không chờ văn bản dưới luật”, bà Mai nói.

Nhiều đại biểu cho rằng, ngoài tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư thì rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có biểu hiện vi phạm gây bức xúc trong nhân dân.

Ở một góc độ khác, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị cho biết quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về những trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chưa phù hợp với các luật nhưng lại phù hợp với cuộc sống.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, nên về nguyên tắc, những văn bản nào quy định trái với luật thì phải hủy bỏ, điều chỉnh.

Người đứng đầu ngành Tư pháp thẳng thắn thừa nhận, hiện tại quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Chính phủ là khá đầy đủ và chặt chẽ, song đối với thông tư và thông tư liên tịch thì chưa có cơ chế kiểm soát. Đây là khoảng trống và Bộ sẽ nghiên cứu đề nghị điều chỉnh cho phù hợp.

Dẫn số liệu cho thấy “luật khung, luật ống” dần được giảm bớt, số lượng văn bản nợ đọng giảm theo hàng năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Nếu như năm 2006 có 526 văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành, thì đến 2012, con số đó chỉ còn 163.

Ông Vũ Đức Đam cũng cho biết, khâu kiểm soát thông tư và thông tư liên tịch hiện chưa tốt. Do đó, tới đây sẽ tiến hành thí điểm kiểm soát việc ban hành thông tư của các Bộ, tức đề nghị để Bộ Tư pháp tham gia từ đầu.

Về thẩm định các văn bản, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, về nguyên tắc, sau khi ban hành văn bản 3 ngày, cơ quan ban hành phải gửi cho Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp để kiểm tra, nhưng có cơ quan gửi chậm, thậm chí có những văn bản được đăng công khai rồi mà cơ quan kiểm tra chưa nhận được văn bản. Điều này cũng cho thấy sự phối hợp giữa các Bộ, ban ngành còn những hạn chế.

 “Có lẽ không nước nào phải ban hành nhiều thông tư hướng dẫn như chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói./.