Sáng 16/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi). Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) gồm XI chương, 81 điều, là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy công nghiệp khai khoáng nước ta phát triển, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.

Nên cho đấu giáquyền thăm dò, khai thác khoáng sản

Theo thống kê từ năm 1996 đến năm 2008, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép chuyển nhượng, cho phép tiếp tục thực hiện quyền thăm dò, khai thác khoáng sản hơn 1.000 giấy phép hoạt động khoáng sản. Tính riêng đến tháng 6/2009 có 3.882 giấy phép khai thác do UBND cấp tỉnh cho phép khai thác còn hiệu lực và đang thực hiện. Từ năm 2000 đến nay, số doanh nghiệp tham gia hoạt động trong công nghiệp khai thác mỏ tăng nhanh từ 427 lên đến gần 1.400 doanh nghiệp.

 

khoang-san1.jpg

Trong thời gian qua, công tác quản lý hoạt động khai thác chưa chặt chẽ. Việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, điều kiện chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản chưa cụ thể nên chưa xóa bỏ được cơ chế "xin cho", chưa ngăn chặn được tình trạng đầu cơ trong hoạt động khoáng sản; thiếu các quy định để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Để khắc phục những yếu kém này, đại biểu Vũ Thị Phương Anh (đoàn Quảng Nam) nêu ý kiến: “Các ban, ngành và địa phương không nên cho chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản mà nên cho đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng dự án “treo” do doanh nghiệp nhận khai thác khoảng sản nhưng cứ để đấy để chờ thị trường khoáng sản lên cao mới cho khai thác. Còn doanh nghiệp khác có điều kiện hơn thì lại không thể khai thác vì không được cấp giấy phép. Ngoài ra, để hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra lành mạnh thì Nhà nước cần quy định rõ thời gian và xử phạt những tổ chức, doanh nghiệp nào không chấp hành những quy định khi khai thác khoáng sản”.

Chia sẻ với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Việc đấu giá quyền khai thác, thăm dò khoáng sản nên được thực hiện một cách kỹ lưỡng, có sự giám sát chặt chẽ của những cơ quan có thẩm quyền và từng địa phương, tránh hiện tượng tiêu cực, tham nhũng.

Khai thác khoáng sản phải đảm bảo quyền lợi của nhân dân địa phương

Với số lượng doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhiều như trên, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự bức xúc về tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi trong thời gian qua đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn tới các con sông và hạ tầng giao thông, trật tự an toàn xã hội tại những nơi khai thác.

Đại biểu đại biểu Điểu K’Ré (đoàn Đắk Nông) nêu ý kiến: Cần nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Uỷ ban Nhân dân xã, phường, địa phương khi quản lý, kiểm tra việc khai thác khoáng sản của tổ chức, doanh nghiệp. Quy định này sẽ giúp các doanh nghiệp, đơn vị phải có trách nhiệm hơn đối với đời sống của cộng đồng dân cư nơi khai thác khoáng sản.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng: Ngoài trách nhiệm của địa phương và các đơn vị liên quan, doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng phải có trách nhiệm với người lao động, đảm bảo an toàn lao động cho những công nhân làm việc tại các mỏ, hầm lò. Bởi vì thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn tại các hầm lò, mỏ than, mỏ vàng dẫn đến nhiều công nhân chết và bị thương. “Nếu để tình trạng sập hầm lò, mỏ than tiếp diễn, thiệt thòi lớn nhất vẫn là phía công nhân lao động. Vì vậy, doanh nghiệp không chỉ trả lương mà phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng, vệ sinh lao động cho cho công nhân viên”- đại biểu Danh Út nói

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắc) bày tỏ quan điểm: Hiện nay, an toàn lao động trong việc khai thác khoảng sản ở nước ta rất kém. Nếu không quy định rõ trách nhiệm của từng huyện, tỉnh nơi khai thác khoáng sản thì vấn đề bảo vệ quyền lợi của công nhân lao động sẽ không được đảm bảo. Việc khai thác khoáng sản phải đảm bảo quyền lợi của nhân dân địa phương./.