Ngày 22/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Đại hội V Hội Nông dân Việt Nam với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển” đã khai mạc trọng thể. Dự Đại hội có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể; các vị lão thành cách mạng cùng gần 1.200 đại biểu đại diện gần 14 triệu nông dân trong cả nước.

Tại Đại hội, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu rõ: Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, được nông dân phấn khởi đón nhận và được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân được cải thiện rõ rệt; điều kiện ăn, mặc, ở, sinh hoạt, vệ sinh môi trường, đi lại, học hành, khám chữa bệnh và các dịch vụ phục vụ nông dân được cải thiện khá, trình độ dân trí được nâng lên một bước, dân chủ ở nông thôn được phát huy; xóa đói giảm nghèo đạt kết quả khả quan, nông dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Theo Hội Nông dân Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt 6,1 triệu đồng/người/năm, tăng 2,7 lần so với năm 2000. Điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe đã được quan tâm. Đến năm 2007, về cơ bản đã xóa được đói, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 18%. Trình độ dân trí được nâng lên và ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường. Nông dân đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.

0001-cac-dai-bieu-du-hoi-ng.jpg
Các đại biểu dự đại hội

Tuy nhiên, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Nền sản xuất nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch chậm, khả năng cạnh tranh chưa cao, vệ sinh an toàn thực phẩm một số loại nông sản chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa; kết cấu hạ tầng còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao; sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn...

Hội cũng đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới là “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Hội Nông dân Việt Nam vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động là trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia có hiệu quả vào các công tác xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, nâng cao đời sống, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của Hội viên, nông dân.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã biểu dương những kết quả đã đạt được của Hội nông dân Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời cho rằng, phương hướng nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ tới là đúng đắn, nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong những năm tới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định trách nhiệm cao trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nhiệm vụ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về xây dựng giai cấp nông dân, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam hoạt động. Hội Nông dân Việt Nam phải phát huy vai trò là trung tâm, nòng cốt trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam lớn mạnh toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chủ động liên kết hợp tác sản xuất hàng hoá, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tổng Bí thư cho rằng, Hội nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng trực tiếp trong tập hợp, tổ chức các phong trào nông dân thi đua trên địa bàn dân cư, tổ chức các hình thức sản xuất đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Xây dựng các vùng sản xuất cây công nghiêp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp ở nông thôn, nuôi trồng thủy sản đa dạng theo quy hoạch; bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống. Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng đến khai thác chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường du lịch sinh thái. Tham gia giải quyết việc làm cho nông dân, dạy nghề cho nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động. “Mọi hoạt động của Hội Nông dân phải hướng về cơ sở, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo, vùng thường xuyên bị bão lũ; gắn kết các phong trào nông dân thi đua yêu nước với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại cơ sở; thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nhạy bén phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến để nhân rộng thành phong trào chung”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tặng Hội Nông dân Việt Nam bức trướng mang dòng chữ “Giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp Công nghiệp hoá- Hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn”.

Đại hội làm việc trong 3 ngày (22-24/12), tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những ưu, khuyết điểm; đồng thời chỉ rõ những cơ hội, thuận lợi  và những khó khăn, thách thức đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn từ đó xác định  mục tiêu, phương hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ tới (2008-2013). Đại hội cũng  thảo luận, sửa đổi bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Nghe và cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa IV.

Một số chỉ tiêu của công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ V:

Phấn đấu 100% số thôn, ấp, bản có nông dân có tổ chức Hội

Nâng tổng số hội viên của cả nước lên 12 triệu người

Có trên 80% cơ sở Hội đạt danh hiệu khá và vững mạnh, trong đó 60% cơ sở Hội vững mạnh

Phấn đấu 100% chi hội có quỹ Hội

Hàng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp

Bình quân hàng năm giảm 3% hộ nghèo

Tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 200.000 nông dân/năm.