Thông tư liên tịch của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ vừa có hiệu lực quy định, nếu cá nhân tố cáo tham nhũng giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định, tối đa lên tới 3,45 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: Liệu thưởng tiền tỷ có khuyến khích được người dân mạnh dạn tố cáo loại tội phạm này?

Tố cáo đâu phải chỉ vì tiền!

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ôngNguyễn Đình Quyền nhấn mạnh,bên cạnh thưởng tiền thì quan trọng hơn phải bảo đảm an toàn, bảo vệ bí mật người tố cáo tham nhũng. Vì trên thực tế có trường hợp người tố cáo tham nhũng bị trù dập.

nguyen_dinh_quyen_1_yuyl_rzns.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền 

“Người ta tố cáo tham nhũng không phải vì tiền mà vì đất nước. Do đó phải bảo vệ họ. Tiền thưởng không là gì so với sự an toàn của gia đình và cá nhân người tố cáo tham nhũng”, ông Nguyễn Đình Quyền nói.

Chúng ta thưởng cao và cũng đã có cơ chế bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng nhưng số người dám tố cáo không nhiều là do cơ chế chưa đủ mạnh, khiến mọi người chưa yên tâm.

Ngoài ra, theo ông Quyền, không nên quy định quá nhiều đầu mối tiếp cận người tố cáo tham nhũng. Vì điều đó khiến người tố cáo cảm thấy bất an rằng thông tin có thể bị rò rỉ, đe dọa sự an toàn của bản thân và gia đình họ.

“Nên thu hẹp cơ quan tiếp nhận thông tin và đồng thời quy định trách nhiệm rất chặt chẽ các cơ quan đó trong việc bảo vệ thông tin người tố cáo tham nhũng. Tốt nhất giao cho công an vì lực lượng này hoàn toàn có đủ năng lực, nghiệp vụ chuyên môn, khả năng trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Còn cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo tham nhũng mà để lọt thông tin thì phải quy trách nhiệm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Ông Đỗ Văn Đương Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, nhiều khi có người rất bức xúc, muốn cầm bút viết đơn tố cáo nhưng họ biết chắc sẽ bị trù dập hoặc trả thù nên thường không đứng tên, trong khi luật quy định đơn nặc danh thì không có cơ sở để xác minh. Do đó cần xem lại vấn đề này chứ cái gì cũng bắt rõ ràng thì người ta lại sợ bị trả thù.

Theo ông Đỗ Văn Đương, cơ chế bảo vệ cũng cần phải đánh ngay vào “đầu não”. Tức chỉ cần có hành vi trù dập cơ quan chức năng có thể xác minh ngay để xem đó là ai. Thông thường chỉ người “có tật mới giật mình” nên người trù dập không nằm ngoài đối tượng tham nhũng bị tố cáo. Khi đó cần tìm ra và xử lý ngay.

Chẳng thấy ai bị xử lý khi không giải quyết đơn thư!

Thực tế không thể phủ nhận là có rất ít người đứng ra tố cáo tham nhũng. Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên nhân một phần vì không phải ai cũng có đủ cơ sở, đặc biệt là số liệu, căn cứ pháp lý để có thể tố cáo được.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Có thể hiện tượng bên ngoài rõ ràng có thể khẳng định là tham nhũng, nhưng để chứng minh được việc đó thì chỉ có những số liệu của cơ quan chức năng khi vào cuộc mới khẳng định được. Tuy nhiên đơn thư tố cáo tham nhũng không phải lúc nào cũng được cơ quan chức năng xem xét một cách nghiêm túc.

“Có một tình trạng đáng buồn ở nước ta là đơn thư tố cáo rất nhiều nhưng việc xem xét không bao giờ đến nơi đến chốn, nhất là ở các địa phương. Đó là lý do vì sao đơn thư dồn hết lên Trung ương”, ông Nguyễn Sỹ Cương nói.

Khi một người khiếu nại, tố cáo việc gì đó thì họ mong từng ngày, từng giờ đơn thư của mình được giải quyết, nhưng chờ mãi không thấy hồi âm nên rất bức xúc và việc đó cũng phần nào khiến người dân chùn bước.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Sỹ Cương, cho đến bây giờ chưa có biện pháp xử lý những người vi phạm về thời gian giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở các cấp nói chung, đặc biệt ở cấp chính quyền địa phương.

Luật quy định nếu nhận được đơn trong bao nhiêu ngày phải hồi âm, thụ lý và giải quyết, ra thông báo nhưng nhiều cơ quan cứ nhận đơn rồi để đó, không ai xem xét và cũng không ai bị xử lý.

“Từ trước đến nay tôi chưa thấy ai bị xử lý vì không giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo”, ông Cương bày tỏ.

Cũng theo ông Cương, bên cạnh trách nhiệm xem xét đơn thư đến nơi đến chốn thì cơ chế bảo vệ người tố cáo phải hết sức chặt chẽ cho gia đình và cá nhân người tố cáo tham nhũng.

“Vừa tố cáo xong là lúc phải có cơ chế bảo vệ ngay, đừng chờ đến lúc xác định có tham nhũng rồi mới tiến hành bảo vệ họ, khi đó có thể đã muộn rồi vì có trường hợp đối tượng bị tố cáo tìm cách “diệt khẩu” ngay từ đầu”. Ít người dám tố cáo dù biết rất rõ sự việc vì muốn yên thân nên không dám lên tiếng”, ông Nguyễn Sỹ Cương nói./.