Thông tin từ Tiểu ban Thông tin – Tuyên truyền Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) cho biết: Tính đến ngày 18/3/2015, đã có tổng số 163 đoàn đăng ký tham dự, trong đó có 119 Nghị viện các nước thành viên, 8 thành viên liên kết, 28 quan sát viên, 8 khách mời của nước chủ nhà. Có 49 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội và 40 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội.

Hiện nay, công tác chuẩn bị của Việt Nam cho việc tổ chức Đại hội đồng IPU-132 được triển khai tích cực về mọi mặt. Ban Tổ chức IPU-132 đã ban hành kế hoạch tổng thể, cơ bản đề ra khung hoạt động cho toàn bộ công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đồng IPU-132, chia thành 3 giai đoạn bắt đầu từ tháng 1/2014 với các nhiệm vụ chính bao gồm: Thành lập và hoàn thiện bộ máy tổ chức hướng tới Đại hội đồng IPU-132 như Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Thư ký, các Tiểu ban về nội dung, thông tin tuyên truyền, lễ tân sự kiện, an ninh y tế, hậu cần tài chính với sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương liên quan.

a2_krdm.jpg Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự IPU 130

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng ban hành các văn bản cần thiết kiện toàn bộ máy, hướng dẫn chi tiêu phụ vụ Đại hội đồng IPU-132; tiến hành thiết kế biểu trưng (logo) của IPU-132, xây dựng website và thực hiện những cam kết của Quốc hội Việt Nam trong Thỏa thuận ký với Ban Thư ký IPU.

IPU-132 sẽ thông qua các Dự thảo Nghị quyết quan trọng

Từ ngày 28/3 – 1/4/2015, IPU-132 sẽ được tổ chức tại thủ đô Hà Nội và có các hoạt động tại một số địa phương. Đây là sự kiện chính trị, ngoại giao có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong năm 2015. Việc tổ chức thành công IPU-132 sẽ nâng cao uy tín của đất nước và Quốc hội Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại hội đồng IPU-132 sẽ thảo luận chủ đề chung là: “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” và dự kiến thông qua các Dự thảo Nghị quyết: “Nghị quyết Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu”; “Nghị quyết Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước”; “Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và quyền con người”; “Nghị quyết về Chủ đề khẩn cấp”; “Báo cáo của các Ủy ban Thường trực và các diễn đàn khác”.

Song song với các cuộc họp của Đại hội đồng, Hiệp hội các Tổng Thư ký (ASGP) cũng nhóm họp thảo luận các vấn đề: “Tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc hoạt động hiệu quả” do Văn phòng Quốc hội Việt Nam đề xuất và “Vận động hành lang và các nhóm lợi ích: Một khía cạnh khác của quy trình lập pháp” do Philippines đề xuất, nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn công tác phục vụ Nghị viện, điều kiện bảo đảm để triển khai Nghị quyết của IPU tại các Nghị viện thành viên.

Nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Trưởng tiểu ban Thông tin tuyên truyền IPU-132, ông Ngô Đức Mạnh cho biết: Đối với IPU và chương trình hành động của Liên minh, năm 2015 là năm bản lề quan trọng để cộng đồng quốc tế cùng tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). IPU đang tích cực vận động, điều chỉnh về tổ chức và chiến lược hoạt động để đáp ứng hiệu quả hơn những mong muốn ngày càng sâu sắc của nhân dân thế giới. Nhiều nội dung nghị sự về an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, khí hậu – môi trường… cần được xem xét, điều phối, hợp tác trên quy mô toàn cầu và phải có sự thảo luận sâu rộng, trong đó tiếng nói của các Nghị viện đóng vai trò quyết định và thiết thực.

Đối với Việt Nam, việc tổ chức Đại hội đồng IPU-132 nhằm mục đích tiếp tục củng cố và nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, toàn cầu như hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững, tăng cường quảng bá với các nước trên thế giới về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Thành công của việc tổ chức IPU-132 sẽ tạo đà thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào Việt Nam, cũng như của Việt nam ra các nước.

Việc Việt Nam được chọn tổ chức Đại hội đồng IPU-132 và các hội nghị liên quan trong năm 2015 là thắng lợi quan trọng của ngoại giao Nghị viện Việt Nam nói riêng, ngoại giao Việt Nam nói chung, thể hiện đường lối đối ngoại tích cực, chủ động do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra. Sự kiện này là một điểm nhấn quan trọng trong nền ngoại giao Nghị viện nước nhà. Đây là dịp để Việt Nam và các đại biểu Quốc hội Việt Nam củng cố và phát triển quan hệ đối ngoại song phương với những đối tác quan trọng, các Nghị viện thành viên IPU và những đối tác mà Việt Nam ít có dịp tiếp xúc.

Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội sẽ là dịp để nghị sỹ các nước đánh giá kết quả thực hiện MDGs mà các thành viên Liên Hợp Quốc đã trọng thể cam kết từ năm 2000 là nội dung mang tính trọng tâm nhất, thu hút nhiều sự quan tâm nhất của hầu hết các nghị sỹ đến từ các quốc gia. IPU-132 còn là dịp để nhân dân và Quốc hội Việt Nam bày tỏ tình hữu nghị, đoàn kết với nhân dân và các vị lãnh đạo Quốc hội khắp châu lục./.

Được thành lập năm 1889 tại Paris, Pháp và có trụ sở tại Geneve, Thụy Sĩ, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là một tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với 166 thành viên và 10 thành viên liên kết, IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, dân chủ hợp tác giữa các dân tộc và Nghị viện các nước.