Phát biểu tại buổi họp báo chiều nay (15/12) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Me Kong - Lan Thương lần thứ 3 tại thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, Hợp tác Mekong-Lan Thương (LMC) giúp đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực, vì lợi ích chung của cả 6 nước: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar.

vov_hop_bao_fmdw.jpg
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Campuchia Prak Sokhonn đồng chủ trì buổi họp báo chiều 15/12

Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, LMC là cơ chế hợp tác mới, chú trọng tới 3 trụ cột chính là chính trị - an ninh; kinh tế và phát triển bền vững; và giao lưu văn hóa, nhân dân. 

Hợp tác Me Kong-Lan Thương đặt trọng tâm vào 5 lĩnh vực ưu tiên là tăng cường kết nối; nâng cao năng lực sản xuất; thúc đẩy hợp tác kinh tế qua biên giới; sử dụng và quản lý tài nguyên nước hiệu quả; phát triển nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Trong thời gian qua, mặc dù mới đi vào hoạt động trong 2 năm nhưng cơ chế hợp tác MLC đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng như hoàn thành số lượng lớn dự án thu hoạch sớm, thành lập Ban thư ký/Cơ quan điều phối quốc gia tại mỗi nước, thành lập Quỹ đặc biệt MLC. Các chương trình giao lưu thanh niên, hợp tác văn hoá và du lịch đã giúp nâng cao hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân 6 nước.

Phóng viên các hãng thông tấn, báo chí của Trung Quốc và quốc tế tác nghiệp tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhon cho biết, Hội nghị lãnh đạo cấp cao Me Kong-Lan Thương sẽ được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia vào tháng 1/2018.

Công tác chuẩn bị cho sự kiện này về cơ bản đã được hoàn tất, ông Prak Sokhon cho hay, đồng thời bày tỏ mong muốn các nước trong khuôn khổ hợp tác LMC đồng lòng vì để "chia sẻ tương lai" vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Me Kong - Lan Thương là một trong những khu vực giàu tiềm năng phát triển lớn nhất châu Á. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ góp phần phát huy ưu thế của 6 nước là gần gũi về địa lý và nhân văn, bổ trợ cho nhau về kinh tế, cũng như kích thích tiềm năng phát triển của mỗi nước, đồng thời tạo sức sống mới cho sự phát triển của châu Á và cải thiện dân sinh.

Cơ chế hợp tác Me Kong - Lan Thương được hình thành từ tháng 11/2015. Hội nghị đầu tiên của các nhà lãnh đạo được tổ chức vào tháng 3/2016 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Hợp tác tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm kết nối, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, nguồn tài nguyên nước, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Sông Mekong chảy qua 6 nước, gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc được nước này gọi là sông Lan Thương./.