Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế về tình hình diễn biến Biển Đông. Tham gia họp báo có  ông Lê Hải Bình - người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Trần Duy Hải , Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia… cùng nhiều nhà báo của các hãng tin lớn trên thế giới như AFP, AP…

img_6355%20copy.jpg
Đại diện tham gia buổi họp báo

Tại buổi họp báo, đại diện của Việt Nam tiếp tục yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 để không ảnh hưởng tới an ninh hàng hải khu vực.

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không để ảnh hưởng an ninh hàng hải khu vực. Sau khi rút giàn khoan, Việt Nam và Trung Quốc sẽ bàn bạc, nhưng Trung Quốc gần đây đưa ra nhiều thông tin sai lệch liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa. Trước tiên, Việt Nam xin bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc.
Ông Trần Duy Hải khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền này được công nhận bởi luật pháp quốc tế và không bị nước nào phản đối.  

Thời Pháp thuộc, Pháp thay mặt Việt Nam quản lý hai quần đảo trên, phản đối các yêu sách của nước khác về hai quần đảo này. Tại Hội nghị Sanfrancisco, phái đoàn Liên Xô đã đề nghị trao trả Hoàng Sa cho Trung Quốc nhưng 49/51 quốc gia đã phản đối. Trưởng phái đoàn Việt Nam, Trần Văn Liệu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam nhưng không gặp phản đối bất cứ ai. 

Năm 1974, Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phản đối hành động này. Hành vi cưỡng chiếm là trái phép, không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc. Bị vong lục của Trung Quốc năm 1958 cũng công nhận xâm lược không đem lại chủ quyền. Thực tế, đến nay không quốc gia nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Việc Trung Quốc nói có chủ quyền ở Hoàng Sa là không đúng.

Việt Nam khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa. Từ nhiều thế kỷ nay, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa (Việt Nam) một cách hòa bình, không bị nước nào phản đối.

Trung Quốc gần đây đã viện dẫn sai lệch công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Công thư này chỉ ghi nhận Trung Quốc tuyên bố chủ quyển lãnh hải 12 hải lý, không nhắc gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc không đề cập là đúng vì hai quần đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17 nên được Pháp chuyển giao cho Việt Nam Cộng hòa.

Như vậy, nói Hoàng Sa không có tranh chấp là mâu thuẫn với chính lời lãnh đạo Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình khi đó là Phó Thủ tướng cũng đã công nhận hai nước có tranh chấp năm 1958, Đặng Tiểu Bình là lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nên không thể không biết. Những văn bản này có trong bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, có thể thấy trên các trang mạng và Việt Nam có thể cung cấp.

Liên quan đến câu hỏi công thư Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Trung Quốc năm 1958, ông Hải khẳng định công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là 1 văn bản ngoại giao, trong đó có nêu rõ Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc trong vòng 12 hải lý. Tuyệt nhiên không đề cập đến chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

 Nội dung Công thư: “Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lí rõ, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành lời tuyên bố ngày 4.9.1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định đó và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể".

Ông Hải cho biết thêm, giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể lúc đó Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam theo Hiệp định Geneva 1954 mà Trung Quốc có tham gia.

Ông Hải khẳng định công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị đối với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Để khẳng định thêm chủ quyền của Việt Nam, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực Biển Đông đã được Việt Nam thực hiện từ những năm cuối 1960- đầu 1970. Từ đó đến nay Việt Nam đã tiến hành kiếm soát trong giới hạn 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.Các hoạt động dầu khí ở miền Trung, nơi Trung Quốc qua công ty CNOOC gọi thầu, Việt Nam vẫn tiến hành khảo sát. Hoạt động dầu khí của PVN đang triển khai bình thường, phù hợp với UNCLOS 1982. Việt Nam từ trước đến nay đều công bố công khai mà không có bất kỳ cản trở, phản đối nào.

Điều này chứng tỏ Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam./.

Phần hỏi đáp
VOV: Bình luận về việc Trung Quốc gần đây có những cáo buộc Việt Nam gây hấn, khiêu khích khi cho tàu chủ động cố ý đâm vào tàu Trung Quốc? Đến nay, ASEAN mới chỉ có duy nhất một tuyên bố chung tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 về vấn đề Biển Đông, Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để tranh thủ ủng hộ của ASEAN trong vấn đề này?Ông Ngô Ngọc Thu: Trong họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, họ đưa tin cáo buộc Việt Nam khiêu khích sử dụng tàu trên biển đâm va vào tàu thực hiện bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981. Đây là thông tin hết sức sai lệch, vu cáo. Vào thời kỳ cao điểm ngày 20/5, Trung Quốc đã sử dụng 137 chiếc tàu bảo vệ giàn khoan, trong đó có tàu chiến và máy bay. Trung Quốc sử dụng súng phun nước công suất lớn, máy phát tạo sóng âm tạp gây khó chịu ảnh hưởng thính giác, sử dụng đèn pha công suất lớn tác động đến tàu Việt Nam, tiếp tục sử dụng biện pháp đâm va ngăn cản tàu Việt Nam thực thi pháp luật trên biển.Tuy nhiên, phía Việt Nam đã không sử dụng công cụ trên tàu để đáp trả phía Trung Quốc, chỉ dùng loa, biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam.Tàu kiểm ngư Việt Nam bị đâm va nhiều lần. Hình ảnh được đăng trên báo chí, truyền hình đã minh chứng. Tôi xin khẳng định Việt Nam không có tấn công khiêu khích tàu Trung Quốc.Ông Lê Hải Bình: Trong hội nghị Cấp cao ASEAN vừa diễn ra, những diễn biến phức tạp trên biển liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam đã được các lãnh đạo cấp cao ASEAN đề cập. Các văn kiện chính thức của HN CC ASEAN 24 cũng đã đề cập. Đặc biệt lần đầu tiên kể từ 1995, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra tuyên bố thể hiện quan điểm chung của ASEAN về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, liên quan việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan. Trên những diễn đàn ADMM vừa diễn ra tại Myanmar cũng như trong các cuộc gặp song phương, lãnh đạo Việt Nam cũng đề cập tới vấn đề này.Ngoài tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các nước ASEAN cũng nêu lập trường của mình, hầu hết yêu cầu các bên không nhất trí với việc đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề.Bên cạnh đó, dư luận quốc tế đều lên tiếng ủng hộ Việt Nam, ủng hộ biện pháp hòa bình mà Việt Nam đang kiên trì theo đuổi. Thời gian tới lãnh đạo cấp cao Việt Nam khi tham dự sự kiện quốc tế, ở kênh song phương, sẽ tiếp tục đề cập vấn đề phù hợp diễn đàn và thực tiễn tình hình diễn biến trên thực địa.Infonet TV: Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phản ánh một số công dân Việt Nam khi nhập cảnh Trung Quốc trong những ngày qua bị Trung Quốc bắt ký vào bản đồ công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao có nắm thông tin và hướng dẫn công dân ứng xử như thế nào trong tình huống này?Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi chưa nhận được thông tin như đề cập, nhưng sẽ trao đổi với cơ quan chức năng để xác minh thông tin. Nếu có sẽ xử lý vấn đề theo luật pháp quốc tế và thỏa thuận giữa hai bên.Hãng Reuters: Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với việc này, trong đó có biện pháp pháp lý. Xin cho biết tình huống nào sẽ sử dụng biện pháp pháp lý?Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Tôi là một luật gia luôn hỏi mình lúc nào là thích hợp sử dụng biện pháp pháp lý, nhưng quyết định là của Chính phủ và Chính phủ không thể quyết định chỉ dựa trên kiến nghị của một luật gia, sẽ phải quyết định trên cơ sở kiến nghị của cơ quan có chức năng. Chúng ta phải chờ đợi quyết định của Chính phủ.VnExpress: Việt Nam kiên trì biện pháp hòa bình nhưng nếu động thái của Trung Quốc thời gian tới không tích cực thì Việt Nam liệu sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn? Có ý kiến cho rằng sau khi hết thời hạn, Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng này và tuyên bố vùng nhận dạng có giới hạn, Việt Nam có tính biện pháp đối phó tình huống này không?
Ông Trần Duy Hải:
Thủ tướng đã trả lời ở Philippines rằng Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình. Chúng ta không muốn chiến tranh. Nếu chúng ta là nạn  nhân thì chúng ta cũng phải tự vệ. Việt Nam sẵn sàng bằng mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng./.