Khai mạc hội thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật Biển (thuộc Đại học Youngsan) Jang Seong-ki nhấn mạnh thời gian gần đây, do việc tranh chấp chủ quyền giữa một số quốc gia trong khu vực, kể cả Hàn Quốc và Việt Nam, nên vấn đề luật biển đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và giới học giả quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức hội thảo về chủ đề này là cơ hội tốt để giới học giả, các nhà nghiên cứu hai nước và bạn bè quốc tế tìm hiểu sâu về Luật Biển của Hàn Quốc và Việt Nam. Hội thảo cũng là dịp để giới học giả hai nước đưa ra các căn cứ pháp lý mang tính lịch sử và thực tiễn góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh hải, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trong tham luận tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh thuộc Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam đã trình bày khái quát những nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh Luật Biển Việt Nam xác định rõ chủ quyền biển đảo không thể tranh cãi của Việt Nam và đây là cơ sở để Việt Nam vận dụng giải quyết các tranh chấp lãnh hải với các quốc gia liên quan trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Nguyên tắc cơ bản của Luật Biển Việt Nam là tạo cơ sở pháp lý cao trong việc xác định phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế trên các vùng biển Việt Nam, tạo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Những ý kiến phát biểu của các nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại hội thảo đều nhất trí cho rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất trong hệ thống văn kiện chuyên biệt của Liên Hợp Quốc.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển thể hiện sự tương đồng quan điểm của các quốc gia thuộc các vùng biển khác nhau trên cơ sở tính đến lợi ích của tất cả các nước và đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng để các quốc gia có biển như Hàn Quốc, Việt Nam và các nước khác khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của mình, phù hợp với công ước quốc tế và cũng là căn cứ xác thực để tiến tới phân định các vùng biển chồng lấn đối với các quốc gia có vùng biển liền kề và đối diện nhau.
Trước đó, Luật Biển Việt Nam cũng đã được các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và Hàn Quốc đưa ra thảo luận tại Hội thảo quốc tế về “Luật, Văn hóa và Lịch sử ở Đông Á” diễn ra ngày 26/10 tại Viện Nghiên cứu Luật thuộc Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc./.