Bên lề Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) 141 đang diễn ra tại Serbia, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ngày 13/10 đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong và Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế Thượng viện Myanmar Than Win – Trưởng đoàn đại biểu Myanmar.

ipu_6_vopc.jpg
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng 
tiếp xúc Tổng Thư ký IPU Marin Chungon.

Tại cuộc tiếp xúc với Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao vai trò và đóng góp thiết thực của Tổng Thư ký đối với IPU nhằm đổi mới hoạt động của Ban Thư ký IPU, tăng cường quan hệ hợp tác giữa IPU và Liên Hợp quốc, góp phần nâng cao vai trò, tiếng nói của các nghị viện, nghị sỹ đối với các vấn đề quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cảm ơn những tình cảm tốt đẹp cũng như sự hợp tác quý báu của cá nhân Tổng Thư ký IPU dành cho Việt Nam, góp phần kết nối giữa các hoạt động của IPU với các hoạt động của Quốc hội Việt Nam, đem lại thành công của các sự kiện lớn của IPU mà Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức như Đại hội đồng IPU-132 vào năm 2015, cũng như hỗ trợ Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Phó Chủ tịch IPU nhiệm kỳ 2018-2019.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh là một thành viên có trách nhiệm và với kinh nghiệm của mình, Việt Nam sẽ tham gia tất cả các hoạt động nhằm góp phần vào thành công của Đại Hội đồng IPU-141.Thông báo với Tổng Thư ký IPU về sự chuẩn bị của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn có sự hỗ trợ và hợp tác của IPU trong việc lên kế hoạch và triển khai các chương trình, trước mắt là tổ chức hội nghị quốc tế về chủ đề phát triển bền vững tại Việt Nam.

Về phần mình, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cho biết, ông luôn ủng hộ Việt Nam vì Việt Nam là một trong những nước luôn thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ đối với các chương trình và kế hoạch hành động của IPU.

Ông Martin Chungong nhấn mạnh, quan hệ giữa IPU và Quốc hội Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam tổ chức thành công IPU-132 vào năm 2015 và những đóng góp của Việt Nam trên cương vị Phó Chủ tịch IPU nhiệm kỳ 2018-2019.

Theo Tổng Thư ký, Tuyên bố của IPU-132 tại Hà Nội năm 2015 với chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” là một trong những phương hướng triển khai các kế hoạch hành động của IPU.

Tổng Thư ký Martin Chungong khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam triển khai hiệu quả chương trình và kế hoạch hành động của IPU thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tiếp song phương Trưởng đoàn Myanmar

Tại cuộc tiếp xúc song phương với Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế Thượng viện Myanmar Than Win, Phó Chủ tich thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chúc mừng những thành tựu kinh tế - xã hội mà Myanmar đạt được trong thời gian qua, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ và tin tưởng Myanmar thực hiện thành công quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, đưa Myanmar phát triển thịnh vượng, nâng cao vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự phát triển quan hệ hai nước trong những năm gần đây, nhất là việc nâng cấp lên Đối tác hợp tác toàn diện năm 2017 và Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ 7 của Myanmar với 18 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt gần 2,2 tỷ USD.

Về hợp tác giữa Quốc hội hai nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước thời gian qua phát triển rất tốt đẹp, nhất là việc ký Thỏa thuận hợp tác song phương tháng 9/2013 và các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao Quốc hội hai nước. Hai Quốc hội cũng đã phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA). Đây là kênh tiếp xúc song phương hiệu quả để hai nước tăng cường hợp tác, ủng hộ  quan điểm lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, thể hiện sự đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề quốc tế vì lợi ích của mỗi nước thành viên và lợi ích chung của cộng đồng ASEAN.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị hai bên thiết lập kênh hợp tác giữa nhóm nữ Nghị sỹ Quốc hội hai nước, tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa hai Ủy ban Đối ngoại nhằm nâng cao hiệu quả giám sát kinh tế đối ngoại.

Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm trọng trách thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA lần thứ 41. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ mong muốn Chính phủ và Quốc hội Liên bang Myanmar ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt các vai trò quan trọng này, góp phần tích cực trong việc duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Myanma ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trân trọng chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Chủ tịch Quốc hội Liên bang Myanmar tham dự Đại Hội đồng AIPA 41 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 8/2020.

Về phần mình, Trưởng đoàn Myanmar nhất trí với đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam về quan hệ hợp tác giữa hai nước và Quốc hội hai nước. Trưởng đoàn Myanmar cảm ơn và mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ tiến trình hòa giải và hòa hợp dân tộc của Myanmar. Về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước thời gian tới, Trưởng đoàn Myanmar sẽ báo cáo lãnh đạo Quốc hội Myanmar nghiên cứu thiết lập kênh hợp tác giữa nhóm nữ Nghị sỹ Quốc hội hai nước và hợp tác giữa Ủy ban Đối ngoại của hai Quốc hội trong việc giám sát các hoạt động kinh tế đối ngoại.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu tại phiên họp nhóm Châu Á - TBD

Trước đó, từ ngày 10-12/10, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Chủ tịch IPU đã tham dự phiên họp lần thứ 282 của Ban Chấp hành IPU. Ban Chấp hành đã nghe báo cáo của Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU, tình hình triển khai Chiến lược 2017-2021 của IPU, quan hệ đối tác chiến lược IPU-Liên Hợp Quốc, những thuận lợi, khó khăn và định hướng phát triển.

Phiên họp nhất trí với dự thảo biên bản ghi nhớ giữa IPU và Ban thư ký Hội nghị công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris, đồng thời tán thành việc tham gia đối tác với tổ chức quốc tế về y tế vì chương trình bao phủ toàn cầu về chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC 2030), biên bản hợp tác giữa IPU và Tổ chức liên nghị viện Pháp ngữ (APF). Ban Chấp hành ủng hộ kết nạp Tổ chức nghị viện của khối thị trường chung Nam Mỹ (Parlasur), tổ chức nghị viện quốc tế vì bao dung và hòa bình (IPTP) trở thành quan sát viên của IPU, kết nạp APF làm thành viên liên kết thứ 13 của IPU. IPU sẽ kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển thông qua hàng loạt chương trình trên thế giới và dự thảo Tuyên ngôn về ngoại giao nghị viện, trình Đại hội đồng thông qua tại phiên họp tháng 4/2020.

Là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm trong IPU, Việt Nam cam kết tiếp tục ủng hộ, đồng hành với IPU trong nỗ lực nâng cao hiểu biết và sự tham gia của ngày càng nhiều đại biểu Quốc hội, các tổ chức của Liên hợp quốc về hợp tác triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đã tham dự Hội nghị các nữ nghị sỹ IPU, họp cơ chế ASEAN+3 và nhóm Địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương (APG). Đoàn sẽ tiếp tục dự họp Hội đồng điều hành, phiên thảo luận chung và các ủy ban thường trực của IPU vào các ngày từ 14-17/10./.