Chiều 13/10, tại Trụ sở Chính phủ diễn ra Lễ ký bản ghi nhớ giữa Văn phòng Chính phủ và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về triển khai thỏa thuận khung chiến lược Chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực Chính phủ điện tử của Việt Nam.
Tham dự lễ ký có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbriok.
Trong khuôn khổ bản ghi nhớ này, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Văn phòng Chính phủ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sự phối hợp liên ngành tại Việt Nam, nâng cao tính minh bạch và tiếp tục phát triển hơn nữa Cổng Dịch vụ công Quốc gia - một nền tảng Chính phủ điện tử nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và đem lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.
Hỗ trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho nỗ lực tăng cường năng lực này gồm 4 hợp phần chính. Cụ thể là về cập nhật các quy định liên quan đến triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công và xử lý hồ sơ trực tuyến; thứ hai, hỗ trợ quản lý sự thay đổi của các cơ quan tổ chức nhằm cải thiện hoạt động cung cấp dịch vụ và thúc đẩy các chương trình truyền thông để nâng cao hiệu quả của Cổng Dịch vụ công Quốc gia; thứ 3, cải thiện quy trình nghiệp vụ, thiết kế giao diện và trải nghiệm của người dùng Cổng Dịch vụ công Quốc gia; và Hỗ trợ tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ tại các trung tâm một cửa, trong đó tập trung vào số hóa thủ tục hành chính và tiếp cận các kết quả số hoá thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đại sứ Kritenbrink cho biết, bản ghi nhớ hôm nay là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt không ngừng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đồng thời, củng cố cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa quản trị công, cải cách thủ tục hành chính và phát triển chính phủ điện tử.
"USAID sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường sự phối hợp liên ngành và tính minh bạch, đồng thời phát triển nền tảng Chính phủ điện tử là Cổng Dịch vụ Công Quốc gia. Những tiến bộ này sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thông tin, mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng hỗ trợ này trong 2 năm tới sẽ mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển và tiến bộ trong lĩnh vực Chính phủ điện tử" - Đại sứ Kritenbrink cho biết.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Chính phủ đã cắt giảm 3.893 trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh; cắt bỏ, đơn giản hóa 6.776 trong tổng số trên 9.926 thủ tục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành; cắt bỏ 30 trong tổng số 120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Cùng với đó, thời gian qua Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, các cơ quan và địa phương tập đã trung xây dựng và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin quan trọng làm nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử. Đó là, Trục liên thông văn bản quốc gia khai trương từ ngày 12/3/2019, đến nay đã có 3 triệu văn bản được gửi, nhận điện tử được thực hiện. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý trao đổi của nội các Chính phủ được khai trương ngày 24/6/2019; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương… những Hệ thống này đã tiết kiệm được chi phí cho xã hội, tạo thuận lợi cho người dân vào doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục điện tử.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, để đạt được những kết quả này có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chuyên gia nước ngoài và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam đề nghị Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng như Tổ chức Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tiếp tục có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Việt Nam. Theo đó, tập trung vấn đề về thúc đẩy cải cách, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để tạo ra một môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng tốt hơn.
Trong 15 năm qua, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô hoạt động, cải thiện môi trường kinh doanh; đào tạo các nhà lãnh đạo mới nổi, giảm thời gian và chi phí trong hoạt động thương mại và tăng cường khung thể chế và pháp lý cấp trung ương và địa phương để thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân./.