Tiếp theo chương trình làm việc, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Hòa giải cơ sở.

Các ý kiếncơ bản thống nhất với các chính sách của Nhà nước về hòa giải cơ sở, song lưu ý cần cân nhắc mức độ sao cho phù hợp với bản chất tự nguyện, tự quản, không hành chính hóa của hoạt động này.

Trên thực tế, những người làm công tác hòa giải ở cơ sở đang được nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương nhưng ở mức độ không đồng đều. Ở những tỉnh có nguồn thu nhiều thì có chi phí cho hòa giải, nhưng ở địa phương thu không đủ chi thì không có.

Về phạm vi của hòa giải cơ sở, dự luật quy định trong phạm vi các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, chủ yếu là giữa các cá nhân với nhau.

Đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn) cho rằng Luật cần quy định rõ ràng hơn các vụ việc không được hòa giải để thuận lợi khi thực hiện trên thực tế. Vì theo đại biểu, có những vụ việc các hòa giải viên, những người uy tín ở địa phương, dòng họ, khu dân cư khó phân loại và không có điều kiện tham chiếu các điều luật khác, đặc biệt là ở những vùng dân tộc thiểu số.

Nhấn mạnh hòa giải cơ sở để thành công thì không chỉ áp dụng đúng pháp luật, đại biểu Phương Thị Thanh cho rằng ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có những vụ việc được dân cư địa phương áp dụng những điểm tích cực trong luật tục để hòa giải thì việc xem xét có vi phạm pháp luật hay không cần phải được tính đến.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), quy định về phạm vi của hòa giải cơ sở là các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân còn mơ hồ, vì không có cơ sở định lượng thế nào là “nhỏ”. Ngoài ra, các vụ việc không được hòa giải được thể hiện trong dự thảo luật vẫn chưa rõ ràng.

Bầu hay lựa chọn hòa giải viên?

Điều 8 của dự thảo luật thiết kế 2 phương án: “Bầu, công nhận hòa giải viên” và “Lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên”.

Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) thống nhất với phương án 2 vì cho rằng người làm công tác hòa giải là tự nguyện, có uy tín nên phải do nhân dân địa phương giới thiệu.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho rằng việc bầu, công nhận hòa giải viên rất khó thực hiện trên thực tế vì gây tốn kém về công sức và thời gian. Hơn nữa, khi một người thôi không làm hòa giải viên nữa lại phải tiến hành bầu lại nên gây bất tiện. Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định mở để tăng tính khả thi trên thực tế.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (đoàn Hà Nội), phương án bầu hòa giải viên là cách làm thể hiện tính dân chủ, người được bầu có tư cách chính danh. Tuy nhiên, quy định cuộc họp bầu hòa giải viên phải có sự tham gia của trên 50% số người đại diện các gia đình ở cơ sở tham gia là rất khó thực hiện. Cách làm này dễ dẫn đến hình thức, rườm rà, tốn kém. Do đó, đại biểu nhất trí với phương án 2.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) lại cho rằng nếu không tiến hành bầu, công nhận thì rất khó để định lượng sự uy tín của người sẽ làm hòa giải viên.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cân nhắc kỹ để chỉnh sửa, thể hiện dễ hiểu hơn và chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật./.