Thảo luận về Dự án luật phòng chống khủng bố chiều 21/11, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm nói chung, tội phạm khủng bố nói riêng, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, việc sớm ban hành Luật Phòng chống khủng bố là yêu cầu khách quan, cấp bách, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Đại biểu Phan Văn Tường, đoàn Thái Nguyên cho rằng, những giải pháp trong dự thảo Luật phải quan tâm phòng ngừa từ bên ngoài, có hệ thống chính sách đối ngoại nhằm tăng đối tác, giảm đối tượng, tức là giảm nguy cơ khủng bố.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên, đoàn Hải Phòng cho rằng, cần quy định khái niệm chống khủng bố là gì, không nên liệt kê quá nhiều các hành vi khủng bố.

Nhiều đại biểu nhất trí đề nghị cần thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố không chuyên trách ở Trung ương và một số Bộ, ngành và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong tình hình hiện nay, việc thành lập mới lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố là chưa cần thiết, vì sẽ chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ chức năng. Vì vậy, chỉ cần giao nhiệm vụ cho các lực lượng sẵn có như công an, cảnh sát đặc nhiệm, cơ động, bộ đội đặc công… tăng cường đầu tư, đào tạo, huấn luyện để các lực lượng này thực thi nhiệm vụ chống khủng bố hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Dân, đoàn Quảng Nam có ý kiến đề nghị cần phải có lực lượng chuyên trách chống khủng bố./.