Điều kiện đăng ký thường trú nội thành

Về đăng ký thường trú ở nội thành, Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm.

Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, để giải quyết vấn đề quá tải dân cư ở nội thành và bảo đảm sự cân đối giữa phát triển dân số và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thì phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp cả về kinh tế - xã hội, cả về tổ chức hành chính, quy hoạch.

Luật Thủ đô cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...

Khoản 3, Điều 19 Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua chiều 21/11 quy định, việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.

Công dân thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật cư trú; Các trường hợp không thuộc các trường hợp nêu trên nhưng tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê, thì được đăng ký ở nội thành.

Về cơ chế, chính sách cho Thủ đô

Về quy định của dự thảo cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải (Điều 18), Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu là không quy định về vấn đề này trong Luật Thủ đô.

Các mức thu phí cụ thể sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ tài chính theo quy định của pháp luật phí và lệ phí.

Về xử phạt vi phạm hành chính, Luật Thủ đô cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng (Điều 20).

Về cơ chế, chính sách về tài chính, Thủ đô được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật.

Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác được áp dụng cho các thời kỳ ổn định từ 3 đến 5 năm.

Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán, trừ các khoản: Thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu; chênh lệch thu, chi của Ngân hàng nhà nước; thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán nộp ở Thủ đô.

Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thuỷ lợi do thành phố Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án.

Xác định biểu tượng của Thủ đô

Điều 6 của Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua quy định biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Theo Báo cáo giải trình, sau khi xem xét các lần bình chọn, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã chọn Khuê Văn Các công trình văn hoá - lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, vừa thể hiện được truyền thống hiếu học của người Việt Nam, vừa thể hiện được nền văn hiến lâu đời của nước ta, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ và trang trọng làm biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội.

Hình ảnh Khuê Văn Các cũng đã được thành phố Hà Nội sử dụng làm biểu tượng Thủ đô trong nhiều năm qua và được nhân dân trong cả nước, bạn bè quốc tế công nhận và trân trọng./.