Kiểm soát quyền lực lợi ích nhân dân
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM) nhấn mạnh, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì mọi hoạt động của các cơ quan công chức Nhà nước phải phục vụ và vì lợi ích của nhân dân. Nhưng người ta thường bị tác động bởi nhiều yếu tố nên dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, tha hóa quyền lực Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Tất yếu đó đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước để Nhà nước phải làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung chế định thể hiện sự kiểm soát quyền lực ngay trong mỗi một hệ thống quyền lực.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương: "Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước để Nhà nước phải làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền" (Ảnh:VNN) |
Đại biểu tán thành với nhiều quy định của dự thảo nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát của lập pháp với hành pháp như bổ sung quyền Quốc hội quyết định cơ cấu số lượng các thành viên Chính phủ (Điều 101) và bỏ quy định mỗi Ủy ban của Quốc hội có một số thành viên chuyên trách. Đây là một chủ trương để từng bước tăng số lượng đại biểu chuyên trách, để độc lập, khách quan hơn trong việc xét báo cáo, ấn nút biểu quyết các dự án do Chính phủ trình, chất vấn các thành viên của Chính phủ.
Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Đương, việc bổ sung các thiết chế giúp Quốc hội có thanh công cụ để kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp, tư pháp là rất quan trọng.
Đại biểu cũng đề nghị thành lập Kiểm toán Nhà nước một chế định độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, nhưng cần làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán. Đặc biệt, phải làm rõ nguyên tắc tổ chức hoạt động của chế định này độc lập để đảm bảo tính độc lập của hoạt động kiểm toán.
“Tôi đề nghị cũng giống các chế định khác, Tổng Kiểm toán Nhà nước nên để cho Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị như dự thảo. Tôi đề nghị thành lập chế định thanh tra Nhà nước độc lập giống như Kiểm toán Nhà nước để phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta và đúng cơ cấu kiểm soát quyền lực Nhà nước”, đại biểu Đương nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo đại biểu, “Qua thảo luận có thể thấy thực tế, cội nguồn của lạm quyền và các nhóm lợi ích chính là ở việc ban hành các văn bản pháp quy trái pháp luật”. Do đó, đại biểu đề nghị giao trách nhiệm kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật trước đây cho Viện kiểm sát với tư cách là một thiết chế sẵn có. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát chỉ giúp Quốc hội giám sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành những văn bản có tính chất pháp quy của các cơ quan từ cấp Bộ trở xuống, còn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước giám sát tối cao những văn bản của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của Viện Kiểm sát tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.
“Điều này rất phù hợp với điều kiện của đất nước chúng ta cả về nhân lực, bộ máy và khắc phục tối đa khoảng trống chưa có cơ chế kiểm soát văn bản pháp quy của chính quyền địa phương và cấp Bộ hiện nay”, đại biểu phân tích.
Thể hiện rõ cơ chế kiểm soát lẫn nhau
Đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) cho rằng, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ phát triển bổ sung năm 2011 đã có sự bổ sung quan trọng về tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, thể hiện đúng bản chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không chỉ có sự phân công, phối hợp mà còn có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong tổ chức thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Theo đại biểu, các Hiến pháp trước đây, nhất là trong Hiến pháp năm 1992, cơ chế phân công và phối hợp đã được quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng, còn cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được đề cập nhiều. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều sửa đổi quan trọng nhưng cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực thể hiện chưa đầy đủ, chưa triệt để so với các cơ chế phân công và phối hợp quyền lực.
Đại biểu Trần Văn Độ: Cơ chế phân công và phối hợp đã được quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng, còn cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được đề cập nhiều (Ảnh:Vneconomy) |
Đại biểu đề nghị bỏ quy định coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, vì theo quy định, cơ quan hành pháp Chính phủ đương nhiên triển khai thực hiện các Nghị quyết, luật của Quốc hội, hay nói cách khác hành pháp đã bao gồm chấp hành. Hơn nữa thuật ngữ "người chấp hành" dễ bị hiểu nhầm Chính phủ là cơ quan cấp dưới của Quốc hội, trái với nguyên tắc phân công và kiểm soát thực hiện quyền nhà nước.
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Văn Độ, cần nghiên cứu, bổ sung hoặc chuyển một số cơ quan thành cơ quan trực thuộc của Quốc hội, trao cho Quốc hội những công cụ hữu hiệu để thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát của mình đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp, như: Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan bảo hiến có chức năng giải thích Hiến pháp và tài phán, Viện kiểm sát, Ủy ban Phòng chống tham nhũng…
Đại biểu cũng đề nghị đổi Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng Trung ương và trực thuộc Quốc hội như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện để Quốc hội có công cụ hữu hiệu trong quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao của mình.
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Văn Độ, phải rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan đảm bảo phù hợp với chức năng, không để Quốc hội thực hiện các quyền hạn thuộc chức năng hành pháp, các cơ quan Chính phủ thực hiện các quyền hạn thuộc chức năng lập pháp hay các cơ quan tư pháp thực hiện các quyền hạn, chức năng hành pháp./.